![]() |
Củng cố thương hiệu gia vị, rau quả Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Nhiều lợi thế và tiềm năng
Việt Nam được các chuyên gia đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, đất đai, lao động và các điều kiện sinh thái để phát triển và cho ra đời nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn. Trong đó, các loại rau quả, gia vị là những mặt hàng nông nghiệp được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ.
Thực tế, trong năm vừa qua đã có sự chuyển dịch rõ nét tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ. Trong đó, trị giá xuất khẩu rau quả tới thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng đạt 303 triệu USD trong năm 2021, tăng 17,4% so với năm 2020.
Đặc biệt, theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, sau giai đoạn phong tỏa, giãn cách vì dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm rau, củ, quả tại các quốc gia khu vực Liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng.
Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm, sản phẩm chế biến tăng hơn 30% là cơ hội lớn với nông sản Việt.
Cùng chung nhận định này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam trong Hiệp định EVFTA còn nhấn mạnh, ngành rau quả, gia vị thuộc Top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi xuất khẩu sang EU.
Dù được đánh giá có lợi thế song ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội khi thị phần tại khu vực EU vẫn chỉ chiếm dưới 1% nhu cầu thị trường. Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, những tồn tại và điểm yếu của rau quả xuất khẩu có thể kể đến như cơ cấu giữa các mặt hàng chưa cân đối nên hiệu quả kinh tế chưa cao, sản lượng và chất lượng chưa ổn định, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật của rau quả xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rau, quả và gia vị của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường châu Âu. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin và nguồn nhân lực để đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường; doanh nghiệp ít có cơ hội và thiếu khả năng tiếp cận thị trường châu Âu; các ngành rau, quả và gia vị của Việt Nam thiếu các cơ chế hiệu quả để nâng cao năng lực toàn ngành và quảng bá cho các sản phẩm cho thị trường này, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
![]() |
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo (Ảnh: VCCI). |
Cố gắng đạt các tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu
Chính vì những khó khăn trên, dự án SFV-Export ra đời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng gia vị, rau quả, bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà cung cấp của các doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp khác trong ngành thông qua năm nhóm hoạt động chính.
Giới thiệu về dự án, bà Hoàng Lê Trang Quản lý dự án SFV-Export, Oxfam tại Việt Nam cho biết, Dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do châu Âu công nhận như IFS, BRC và chứng nhận Fairtrade; hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường châu Âu; số hóa các hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, Dự án sẽ xây dựng và vận hành một nền tảng số tiên tiến nhằm cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin thị trường cập nhật, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với khách hàng châu Âu. Đồng thời, Dự án cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng, quản trị doanh nghiệp, marketing, thương mại.
Thông qua dự án, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam mong muốn ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu. Bên cạnh các tiêu chuẩn về phương pháp sản xuất và sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và hệ sinh thái tự nhiên, các tiêu chuẩn như Fairtrade yêu cầu khắt khe đối với các chính sách và thực hành của doanh nghiệp trong việc đảm bảo bình đẳng giới, môi trường bền vững, quyền lợi cho người lao động. Hướng tới các tiêu chuẩn định hướng để đạt đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững.
"Với sự ủng hộ và hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hiệp hội doanh nghiệp các nước trong EU… quá trình triển khai dự án sẽ góp phần vào mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản đạt hơn 50 tỷ USD năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chất lượng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Từ đó, củng cố địa vị vững chắc của Việt Nam trong chuỗi cung ứng về nông - lâm - thủy sản toàn cầu.
Bên cạnh những hỗ trợ từ dự án, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành rau quả, gia vị cần quan tâm cải thiện thực hành bền vững để đảm bảo tuân thủ những quy định, khuyến nghị về thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định nếu muốn xuất khẩu sang EU và hưởng lợi từ EVFTA.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-thuong-hieu-gia-vi-rau-qua-viet-cat-canh-tai-thi-truong-eu-127015.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.