Động lực phát triển, hướng đến một xã hội không tiền mặt
07:56 | 06/05/2022
Cùng với nỗ lực chung của hệ thống ngân hàng, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây là tiền đề quan trọng để NAPAS triển khai chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trở thành “Mạng lưới thanh toán bán lẻ đáng tin cậy nhất” tại Việt Nam.
![]() | Lan tỏa chính sách thanh toán không tiền mặt tới giới trẻ |
![]() | Thanh toán số tăng tốc |
![]() | Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện |
Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, song song công tác phòng, chống dịch, NAPAS vẫn bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, góp phần tích cực trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.
Giao dịch rút tiền ATM giảm: Tín hiệu vui!
Đảm bảo hoạt động liên tục và an toàn của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, trong năm 2021, NAPAS luôn bảo đảm cam kết về chất lượng dịch vụ (SLA) đạt 99,99% và năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch. Giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020. Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu tiên giảm 5% so với 2020 và trong quý I/2022 tiếp tục giảm 9,6% so cùng kỳ năm trước, qua đó thể hiện những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.
![]() |
Giải pháp chiến lược và định hướng phát triển sản phẩm thanh toán của NAPAS là sáng tạo, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tối ưu chi phí |
Năm 2021 cũng là năm NAPAS phối hợp với các ngân hàng thành viên đưa ra thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ mới như: Cổng thanh toán trực tuyến NAPAS đã tích hợp với cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với 64 bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 cho doanh nghiệp, người dân; Các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, thẻ trả trước nội địa hay các sản phẩm sáng tạo như thẻ “kép”, thẻ 2 trong 1 (tích hợp thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trên 1 thẻ vật lý) được NAPAS và các ngân hàng thành viên phát hành trong năm 2021; Thẻ đa ứng dụng trên nền tảng công nghệ thẻ không tiếp xúc ứng dụng để thanh toán trong giao thông (mua vé trên xe bus điện của Vinbus), trong y tế.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán di động của người dân, từ tháng 6/2021, NAPAS đã phối hợp 14 ngân hàng đầu tiên ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã VietQR. Trên cơ sở ứng dụng tiêu chuẩn cơ sở về mã QR trong lĩnh vực thanh toán do NHNN ban hành, dịch vụ này cho phép người dùng thực hiện chuyển tiền giữa các tài khoản ngân hàng khác nhau thông qua việc quét mã VietQR cá nhân của người nhận, mà không cần nhập thông tin như số tài khoản, ngân hàng nhận lệnh, số tiền... Phương thức thanh toán bằng mã VietQR không những đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng và an toàn cho người sử dụng, mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc trực tiếp, phòng chống sự lây nhiễm của dịch bệnh thời gian qua.
Trong năm 2021, ngoài việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, NAPAS còn chủ động triển khai chương trình hỗ trợ 38 tổ chức thành viên chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa. Đồng thời, NAPAS đã thực hiện 4 đợt miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ, thanh toán dịch vụ công với tổng ngân sách giảm trong năm 2021 lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.
Những thành tựu đạt được trong thời gian qua chính là nền tảng để NAPAS tiếp tục phát triển, hoàn thành thắng lợi kế hoạch hoạt động giai đoạn tới, góp phần thực hiện mục tiêu của đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của NAPAS
Tác động của đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sự dịch chuyển của kinh tế số nói chung và xu hướng thanh toán số nói riêng. Xu hướng thanh toán chuyển dịch sang các phương tiện thanh toán trên nền tảng kỹ thuật số, áp dụng cả trên nền tảng thương mại điện tử và các điểm bán hàng truyền thống… Tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng ngày càng tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 43% trong 5 năm qua. Việt Nam cũng có một lượng lớn dân số trẻ yêu thích và am hiểu về công nghệ.
Với sứ mệnh “Gắn kết người dân, doanh nghiệp và ngân hàng bằng các sản phẩm thanh toán sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày”, NAPAS đang nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến 2030 nhằm thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu gắn với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 8/8/2018 và tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS: “Quá trình triển khai Chiến lược đến năm 2025, NAPAS tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ ứng dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt để thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế của môi trường thanh toán tại Việt Nam, qua đó góp phần vào quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng”.
Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử là một trong các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia. Chính vì thế, mục tiêu chính của NAPAS trong thời gian tới đó là “Hoạt động xuất sắc” - tổ chức vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử và hướng tới “Dẫn đầu về sản phẩm dịch vụ”, ông Hưng cho biết thêm.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, NAPAS tập trung triển khai một số giải pháp trọng điểm như: Phát triển hệ sinh thái của thẻ chip nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành; Thúc đẩy việc phát triển mạng lưới chấp nhận thông qua các ngân hàng thanh toán, trung gian thanh toán, các đại lý bán hàng, các đối tác có sẵn mạng lưới bán hàng lớn; mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ, mã QR…) tại hệ thống các điểm thanh toán; Xây dựng và triển khai các chương trình Marketing, truyền thông thúc đẩy thanh toán nội địa và thanh toán bán lẻ dựa trên các giải pháp của NAPAS.
Đồng thời, NAPAS sẽ tiếp tục triển khai mở rộng các sản phẩm dịch vụ của hệ thống ACH và nâng cấp năng lực của hệ thống ACH để đảm bảo hoạt động liên tục; Mở rộng mạng lưới đơn vị kết nối với hệ thống chuyển mạch mã QR nhằm chuyển mạch giao dịch thanh toán giữa các ngân hàng và ví điện tử trung gian thanh toán trong nước; Chuyển mạch giao dịch thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với các quốc gia trong khu vực; Cải thiện trải nghiệm thanh toán của người dùng…
Với những giải pháp chiến lược và định hướng phát triển sản phẩm thanh toán sáng tạo, dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tối ưu chi phí, NAPAS mong muốn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng Việt Nam không tiền mặt, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trở thành mạng lưới thanh toán bán lẻ đáng tin cậy nhất với Chính phủ, ngân hàng, trung gian thanh toán, khách hàng và các đối tác.
Như Trang