Mười năm hoạt động dưới vỏ bọc Việt kiều
Câu chuyện đến với cách mạng và duyên nợ cả đời với hệ thống tiền tệ, ngân hàng của ông Lữ Minh Châu có lẽ bắt đầu trong khoảng những năm 1959-1964.
Khi đó, ông Lữ Minh Châu với cái tên khai sinh là Lữ Triều Phú đang làm việc ở Văn phòng Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), vì giỏi tiếng Pháp nên ông được Phó Thủ tướng Phạm Hùng chọn đưa về Sài Gòn làm sĩ quan liên lạc cho Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành, Lữ Triều Phú được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ xin về làm thư ký và được cử đi Liên Xô học ngành Tài chính Ngân hàng.
Cuối năm 1964 sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, ông Lữ Minh Châu về nước và được Trung ương biệt phái vào Nam để chuẩn bị cho các kế hoạch vận chuyển, tiếp nhận, “chế biến” tiền phục vụ cách mạng.
![]() |
Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Lữ Minh Châu, nguyên Phó Ban Tài chính đặc biệt N.2683, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Để đảm bảo tuyệt mật về thân phận, sau khi vào Nam, ông được Trung ương chuyển đến Pnom Penh (Campuchia) với thẻ căn cước mang tên Nguyễn Văn Thảo. Với vỏ bọc một doanh nhân Việt kiều, ông được cử làm quản lý cho Công ty xuất nhập khẩu Nam Dân, chuyên làm ăn buôn bán với Sài Gòn và các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên “thân phận” thật sự của ông là Phó Ban Tài chính đặc biệt (N.2683) thuộc Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, với nhiệm vụ chính là “củng cố hệ thống”, nắm lại tình hình, tổ chức tiếp nhận tiền, chuyển đổi và cung cấp tiền cho các chiến khu tại miền Nam.
Cùng với các cán bộ chủ chốt của Ban Kinh tài Trung ương Cục như ông Nguyễn Văn Phi (Mười Phi), Phạm Văn Quang (Năm Tấn), Nguyễn Thanh Quang (Dân Sanh), trong suốt các năm 1965-1967, đường dây bí mật tiếp nhận, vận chuyển, chuyển đổi tiền tệ qua lại giữa Phnom Penh và Sài Gòn hoạt động rất hiệu quả. Lượng tiền phục vụ nhu cầu của các chiến khu luôn được đáp ứng đầy đủ.
Tuy nhiên, cuối năm 1967, cơ sở bình phong tại Sài Gòn là Công ty Phương Mai bị lộ. Ông Dân Sanh bị địch bắt. Các ông Mười Phi và Năm Tấn cũng bị địch nghi ngờ. Lúc đó, chỉ còn ông Lữ Minh Châu là chưa bị địch phát hiện tung tích nên tiếp tục kết nối, duy trì hoạt động của các cơ sở mật ở Sài Gòn.
Năm 1970, sự kiện Lonnol đảo chính tại Campuchia khiến hoạt động cung cấp tiền tệ cho các chiến trường miền Nam rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Nguồn tiền cũ từ các chiến khu được các đơn vị N.2683, R-C32 và các cơ sở kinh doanh bình phong gom về đổi ra tiền mới, bị kẹt lại ở Công ty Tân Á tại Phnom Penh. Chính lúc đó, ông Lữ Minh Châu nhận được mật điện từ Phó Thủ tướng Phạm Hùng: “Bằng mọi cách phải đưa tiền về Trung ương Cục”.
Nhận lệnh từ Trung ương, ông Lữ Minh Châu cùng với các ông Mười Phi, Năm Tấn và Trần Quang Dũng (Ba Dũng, C Phó R-C32) đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy các cán bộ thuộc N.2683 và R-C32 giải cứu thành công kho tiền từ Campuchia về căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh.
Sau cuộc giải cứu này, các cơ sở bình phong ở Campuchia và Sài Gòn đều không còn hoạt động. Vì thế ông Lữ Minh Châu được Trung ương cục giao nhiệm vụ trở lại Sài Gòn như một Việt kiều về quê tìm người thân thất lạc. Mục tiêu chính của chuyến trở lại này là tìm cách nối lại liên lạc với các cơ sở cách mạng tại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam; từ đó tiếp nhận, chuyển đổi các loại tiền tệ phù hợp để cấp phát cho các chiến trường.
Để thuận lợi cho việc nắm bắt hệ thống ngân hàng và sử dụng chính các ngân hàng tại Sài Gòn để “vận chuyển” tiền theo phương pháp FM, ngay khi trở lại nội thành, ông Lữ Minh Châu đã tự học và thi đậu vào Ngân hàng Sài Gòn Tín dụng. Ông được giao nhiệm vụ đi lại các tỉnh thành phía Nam để mở thêm các chi nhánh cho ngân hàng này. Công việc rất thuận lợi để ông “tới lui” địa bàn các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ, Gò Công và Tây Nguyên làm các nhiệm vụ Trung ương Cục giao cho mà không bị nghi ngờ.
Cứ như vậy, suốt các năm 1970-1975, ông Lữ Minh Châu dưới cái tên Việt kiều Lê Văn Thảo đã tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong giới ngân hàng ngay tại thủ phủ Sài Gòn. Dòng đô la Mỹ biến hóa thành tiền Sài Gòn được nối lại. Các cơ sở kinh doanh là bình phong của cách mạng tại Sài Gòn, Tây Ninh, Biên Hòa và Buôn Mê Thuột cũng được khôi phục. Phương pháp FM được thực hiện bí mật, hiệu quả khiến nguồn viện trợ từ Bắc vào Nam luôn kịp thời, nhanh chóng và đầy đủ…
Người khai sinh mô hình ngân hàng hai cấp
Ngày 30/4/1975, sau thành công của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước thống nhất. Ông Lữ Minh Châu được Trung ương Cục miền Nam cử làm Trưởng ban Quân quản K3, trực tiếp chỉ huy tiếp quản hệ thống ngân hàng do chế độ cũ để lại.
Rũ bỏ vỏ bọc Việt kiều, ngay khi tiếp quản thành công hệ thống ngân hàng tại Sài Gòn, ông Lữ Minh Châu chính thức được Trung ương bổ nhiệm làm Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ kế thừa tất cả những quyền lợi, nghĩa vụ mà hệ thống ngân hàng của chế độ cũ đã xây dựng với tư cách thành viên hoặc đối tác của các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, IMF và WB.
![]() |
Ông Lữ Minh Châu (đứng giữa) trong lần cuối cùng trở lại chiến trường xưa ở Tây Ninh |
Khi đất nước thống nhất và bước vào những năm đầu khôi phục nền kinh tế, với tư cách là Giám đốc NHNN tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lữ Minh Châu là một trong những giám đốc ngân hàng có nhiều góp ý cho công cuộc cải tạo thương nghiệp. Khoảng những năm 1980-1981, ông là một trong những người đầu tiên “xé rào” và đưa đến quyết định của Trung ương thành lập “tổ thu mua lúa gạo” và cấp tiền ngân sách kịp thời để mua gạo từ Đồng bằng sông Cửu Long cứu đói cho nhân dân TP. Hồ Chí Minh...
Tháng 6/1986, ông chính thức được Trung ương phê duyệt trở thành Tổng Giám đốc NHNN Việt Nam (nay gọi là Thống đốc NHNN Việt Nam).
Thực hiện nhiệm vụ người đứng đầu ngành Ngân hàng ngay vào lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông Lữ Minh Châu một lần nữa tỏ rõ bản lĩnh của một con người từng làm thủ lĩnh “con đường tiền tệ huyền thoại”. Ông lái con thuyền ngân hàng Việt Nam vượt qua khó khăn chưa từng thấy trong giai đoạn “đêm trước đổi mới”, để rồi trực tiếp bắt tay vào công cuộc đổi mới toàn diện ngành Ngân hàng theo hướng “tách hoạt động kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước”. Đó chính là tiền đề để tháng 7/1987, Chính phủ thông qua Quyết định số 218 “cho làm thử việc chuyển hoạt động của ngân hàng sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa”. Từ đây, các ngân hàng thương mại chuyên nghiệp được thành lập, hệ thống quỹ ngân sách nhà nước (kho bạc) cũng được tách ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Và cũng chính việc “làm thử” thành công này, đã tạo cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định 53/HĐBT (26/3/1988) về tổ chức bộ máy NHNN Việt Nam, hệ thống ngân hàng được tổ chức thành hai cấp là Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chuyên doanh (nay gọi là Ngân hàng thương mại). Các công ty vàng bạc kim quý cũng được thành lập, hoạt động tiền tệ bắt đầu mở cửa thu hút các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến hợp tác làm ăn và mở rộng sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng đến ngày nay.
Thay lời kết
Ngày 16/3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho cá nhân ông Lữ Minh Châu.
Tri ân những công lao, đóng góp to lớn của ông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đồng chí Lữ Minh Châu là một tấm gương sáng về sự hy sinh, về đạo đức của người cán bộ ngân hàng. Ông cũng nhắc nhở cán bộ toàn ngành Ngân hàng Việt Nam, noi theo tấm gương sáng của đồng chí Lữ Minh Châu để tiếp tục phát huy những thành quả của cách mạng, phát huy những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
(Bài viết sử dụng nhiều tư liệu của Ban liên lạc cán bộ ngành Ngân hàng B.68 và ghi chép theo lời kể của các cán bộ trước đây từng công tác tại các đơn vị N.2683, R-C32).
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tu-nguoi-thu-linh-huyen-thoai-den-anh-hung-luc-luong-vu-trang-126894.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.