Cuộc xây dựng hệ sinh thái
Trong tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 dự kiến sẽ được tổ chức ngày 29/4 tới đây, VPBank cho biết sẽ trình cổ đông cho phép kế hoạch mua lại gần như toàn bộ vốn của Công ty Bảo hiểm Opes. Cùng với Opes, VPBank sẽ tiếp tục duy trì hợp đồng phân phối độc quyền với Bảo hiểm AIA, ngân hàng này sẽ phân phối đa dạng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Từ cuối năm 2021 đến nay VPBank cũng đã củng cố rất mạnh mẽ mảng kinh doanh chứng khoán khi hợp tác với VinaCapital để đa đang hóa danh mục đầu tư và dự định đưa ra nhiều hơn sản phẩm tư vấn phát hành trái phiếu và đầu tư chứng chỉ quỹ. Dự kiến doanh thu ASC năm nay sẽ đóng góp vào cho ngân hàng 2022 khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trước đó, hàng loạt NHTM khác cũng đã tỏ rõ mục tiêu lấn sân và mở rộng ảnh hưởng ở các lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và bảo hiểm. Theo đó, hệ sinh thái của HDBank thời gian qua đã có thêm HD Insurance với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, thuộc top đầu về quy mô vốn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ngân hàng này hiện nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Sovico, góp mặt kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực từ tài chính tiêu dùng (HD SaiSon) đến chứng khoán (HD Securities) và hàng không (VietJet). Hay như MB Group hai năm gần đây cũng đã trở thành một trong những tập đoàn tài chính đa ngành. Đến thời hiện tại, MB đã sở hữu 6 công ty con, kinh doanh hiệu quả trong các lĩnh vực mua bán nợ (MB AMC), cho vay tiêu dùng (MB Shinsei), kinh doanh chứng khoán (MBS), quản lý quỹ (MB Capital) và mua bán bảo hiểm (MIC, MB Ageas).
![]() |
Xu hướng tích hợp “one bank” nhiều trong một đang được nhiều TCTD triển khai để khai thác hệ sinh thái khách hàng |
Các công ty bảo hiểm khác như Hanwha Life Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam hiện cũng đã lên kế hoạch hình thành các công ty fintech để hoàn thiện hệ sinh thái “tất cả trong một”.
NHTM là hạt nhân trong tập đoàn tài chính
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, trong bối cảnh lĩnh vực tài chính - ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, việc các NHTM đặt mục tiêu trở thành các tập đoàn tài chính đa ngành là xu hướng tất yếu để cạnh tranh và phát triển.
Ông Thành cho rằng, trong một vài năm tới các NHTM chỉ thuần túy khai thác một mảng thị trường ngách như ngân hàng bán lẻ, ngân hàng chuyên phục vụ DNNVV vẫn có thể phát triển được. Tuy nhiên, nhìn từ thị trường 2-3 năm qua cho thấy, những TCTD mạnh nhất tại Việt Nam đều có xu hướng đi theo mô hình tập đoàn tài chính. Vì vậy, xu hướng hình thành các tập đoàn tài chính với hạt nhân là NHTM sẽ là xu hướng chủ đạo. “Chính phủ và NHNN cần nghiên cứu hoàn thiện các khung pháp lý để cho phép các mô hình tập đoàn tài chính được hoạt động nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thị trường tài chính lớn trên thế giới, mở rộng cửa cho các TCTD trong nước hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Thành gợi ý.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cũng cho rằng, với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các mô hình kinh doanh trên nền tảng số hóa, hiện nay nhu cầu đầu tư tái định vị kênh phân phối và xây dựng hệ sinh thái số đang là nhu cầu sống còn của mọi ngành nghề, lĩnh vực. Riêng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện nay xu hướng tạo lập các mô hình ngân hàng mở (Open Banking) với trung tâm là NHTM và hệ sinh thái các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan "vây quanh" đang là xu hướng chính ở nhiều nền tài chính phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trong mô hình này, các ngân hàng ở thế chủ động, làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối vào hệ sinh thái để khai thác cả ngân hàng và dịch vụ phi ngân hàng cùng lúc. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay mô hình ngân hàng mở phổ biến là dạng “thực cộng”, tức là ngân hàng ngoài dịch vụ cốt lõi còn tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba trong hệ sinh thái để bán sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.
Theo ông Lực, hiện có 108 quốc gia trên thế giới đã và đang hoàn thiện cơ chế chính sách để cho phép triển khai ngân hàng mở một cách bài bản, hệ thống. Trong năm 2021 đã có khoảng hơn 1.500 ngân hàng cung cấp nền tảng ngân hàng mở, tăng 175% so với năm trước. Vì vậy, nếu khung pháp lý về ngân hàng mở cũng như các quy định liên quan đến hoạt động của mô hình tập đoàn tài chính được Chính phủ và NHNN sớm hoàn thiện thì cơ hội chuyển dịch quy mô, tái định vị kênh phân phối và hoàn thiện hệ sinh thái số trong hệ thống TCTD tại Việt Nam sẽ rất lớn và cạnh tranh trong các năm tới.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều tổ chức tài chính quốc tế lớn đến Việt Nam mới chỉ kinh doanh ngân hàng truyền thống, và hầu hết phục vụ doanh nghiệp FDI, hoặc có tệp khách hàng lớn tại TP.HCM. Trong tương lai, nếu họ thấy không có hy vọng phát triển thành tập đoàn tài chính sẽ bán lại, hoặc thu hẹp hoạt động thị trường tại Việt Nam. Vì vậy, nếu chúng ta có những chính sách "mở" hơn cho mô hình tập đoàn tài chính thì có thể giữ chân nhiều nhà đầu tư lớn. Từ đó, các NHTM trong nước có nhiều cơ hội hợp tác phát triển hệ sinh thái tài chính hoàn chỉnh. Lợi ích thu hút đầu tư từ việc cởi mở pháp lý này thậm chí còn hấp dẫn và ưu đãi hơn cả miễn giảm tiền thuế hoặc tiền thuê đất.
Theo báo cáo tiến độ xây dựng phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế của Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC), đột phá về mặt pháp lý để các ngân hàng hướng tới mô hình tập đoàn tài chính, kinh doanh nhiều dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư đến quản lý quỹ, chứng khoán… cơ sở hình thành Trung tâm tài chính. Bởi cấu phần cốt lõi của một Trung tâm tài chính luôn gồm thị trường tiền tệ, ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. NHNN cần cấp phép cho fintech và ngân hàng số độc lập hoàn toàn được thí điểm nhằm đa dạng hóa hệ sinh thái tài chính số bên cạnh các mô hình TCTD truyền thống. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-co-phan-huong-den-mo-hinh-tap-doan-tai-chinh-126730.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.