![]() | Mô hình tăng trưởng trong kỷ nguyên 4.0 |
![]() | Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy kinh tế số làm trọng tâm |
Đây là một số nhận định được đưa ra tại Hội thảo: “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm Đổi mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức ngày 26/4/2022. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế.
![]() |
Đạt nhiều kết quả, song chưa như mục tiêu đặt ra
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hội thảo được tổ chức để khởi động sơ kết 5 năm Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời gắn với việc nghiên cứu triển khai xây dựng đề án về “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các chuyên đề liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trao đổi những vấn đề liên quan đến kinh nghiệm 35 năm Đổi mới của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, qua thực tiễn đánh giá quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cho thấy những kết quả đạt được thể hiện rất rõ như: Kinh tế vĩ mô cơ bản đã được ổn định; tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, mô hình tăng trưởng từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; chất lượng tăng trưởng dần cải thiện dù còn ở mức độ khiêm tốn.
Bên cạnh đó, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Cơ cấu các ngành, lĩnh vực có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Các vấn đề trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và khu vực công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên. Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ở cùng giai đoạn phát triển.
Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu vẫn do tăng cường vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Vốn vẫn chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế thâm dụng lao động, ở mức độ nhất định vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước còn tiếp tục gia tăng.
Cùng với đó, các vấn đề về cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra theo kế hoạch. Hiệu quả đầu tư công chưa cao và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là vốn ODA.
Tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, chủ yếu tập trung vào việc sắp xếp thu gọn số lượng, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp.
Tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công vẫn còn nhiều hạn chế. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa lớn mạnh, chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện.
Những động lực quan trọng nhất của giai đoạn tới
Tại Hội thảo, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trình bày tham luận “Kinh nghiệm 35 năm Đổi mới và đề xuất chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, đã đưa một bức tranh toàn cảnh về quá trình 35 năm Đổi mới và phân tích các vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đề xuất một số định hướng như vai trò của môi trường vĩ mô phải sẵn sàng cho đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại ngành kinh tế theo lợi thế vùng; cơ cấu lại các đô thị động lực theo hướng phân cấp và gắn kết; cơ cấu lại doanh nghiệp và tổ chức kinh tế và cơ cấu lại thị trường tài nguyên một cách lành mạnh để bắt kịp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thông qua việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.
Tham luận “Thực trạng Việt Nam dưới góc độ nền kinh tế thịnh vượng, xã hội hài hoà và tương lai bền vững: Khuyến nghị kinh tế số”, GS.TS. Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, kinh tế số là động lực tăng trưởng mới quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Chuyên gia này đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số như: Cần có bản chiến lược khung cho việc chuyển đổi số; Tạo các điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; Đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo gắn chặt với số hóa; Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các ngành gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Bàn về đổi mới mô hình tăng trưởng từ góc độ các động lực phát triển kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh đến những thay đổi cơ bản, nền tảng của nền kinh tế như: Phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt quan tâm phát triển các thị trường nguồn lực đầu vào, nhất là thị trường đất đai; xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập.
PGS. TS. Trần Đình Thiên cũng lưu ý, cần tuân thủ nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng” trong việc phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam và triển khai chiến lược thu hút FDI. Đồng thời, cần tận dụng tối đa lợi thế đi sau, xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.
TS. Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP cho rằng, để thu hẹp được khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển thì bên cạnh việc duy trì tỷ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa nguyên liệu đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và FDI, trong đó đặc biệt quan tâm đến cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngoài ra, Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi.
Trong chia sẻ quan điểm của mình, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tập trung vào vai trò của thị trường trong một nhà nước kiến tạo sáng tạo và chuyển đổi nền kinh tế nâu sang xanh. Chuyên gia này cũng đề xuất một số giải pháp như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo; điều chỉnh một số vấn đề cơ bản còn tồn tại của nền kinh tế liên quan đến các nhân tố sản xuất như Luật Đất đai,… đồng thời bắt nhịp với những vấn đề mới như xây dựng Luật Dữ liệu, quản lý các dòng dữ liệu xuyên biên giới, quản lý thu hút nguồn nhân lực xuyên biên giới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-co-cau-lai-nen-kinh-te-kinh-nghiem-35-nam-doi-moi-126720.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.