![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể tại công văn CHH/14042022 gửi tới Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội đã kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Các hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe máy Việt Nam.
Lý giải về việc đưa ra kiến nghị lùi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sang năm 2023, các hiệp hội trên cho rằng trong 2 năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp rất khó khăn và kiệt quệ.
Hiện nay các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán.
Bên cạnh đó, hiện nay, tình trạng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình đối phó với tình hình đó và kéo theo là tình trạng hậu COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp. Chưa kể trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới của dịch Covid-19, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hoạt động sản xuất.
Theo các hiệp hội này, nếu thực hiện tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm tháng 7 năm nay sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động, đến sự tồn vong của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.
Trước đó, tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ ngày 1/7/2022 để trình Chính phủ.
Theo các hiệp hội nói trên, mức tăng được đề xuất là 6% thể hiện sự nhượng bộ của các bên, người lao động có điều kiện cải thiện phần nào đời sống sau một thời gian dài khó khăn do Covid-19. Người sử dụng lao động cũng có thể cân đối lại ngân sách, đảm bảo phục hồi sản xuất và ổn định nhân lực. Tuy nhiên về mặt thời điểm, kiến nghị lùi thời điểm áp dụng từ 1/1/2023 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mot-so-hiep-hoi-kien-nghi-lui-thoi-diem-tang-luong-toi-thieu-vung-126418.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.