![]() |
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Tiền thân BQLDA là Ban Quản lý dự án Ngân hàng, được Thống đốc NHNN ký quyết định thành lập ngày 23/9/1995, có nhiệm vụ giúp Thống đốc NHNN quản lý và thực hiện các dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức đầu tư phát triển quốc tế mà NHNN đóng vai trò là cơ quan thực hiện dự án. Có thể nói quá trình hình thành và phát triển của BQLDA gắn liền với quá trình hội nhập kinh tế của đất nước và quá trình đổi mới, phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Điểm lại quá trình hoạt động của BQLDA, từ năm 1995 đến nay, Ban đã tiếp nhận, chuyển giao, quản lý và thực hiện giải ngân nhiều dự án của nhiều tổ chức quốc tế để cho vay phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Trong đó, dự án Hiện đại hoá ngân hàng và hệ thống thanh toán vay vốn ODA của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc nhóm WB là dự án đầu tiên của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Có thể coi Dự án này là “tiền thân” hình thành nên BQLDA ngày nay và cũng là dự án đầu tiên mở đường cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá hệ thống ngân hàng Việt Nam; hình thành nên những “ý tưởng mới” trong việc tạo ra một kênh dẫn vốn ODA từ cộng đồng các nhà cung cấp ODA song phương và đa phương dành cho hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua BQLDA. Dự án đã góp phần làm lành mạnh hoá hoạt động của các NHTM, gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank.
Bên cạnh đó, dự án Tín dụng nông thôn ADB là dự án đầu tiên áp dụng cơ chế tín dụng 2 bước hay “cơ chế bán buôn” giữa BQLDA với các định chế tài chính tham gia. Với vai trò cho vay lại, BQLDA đã góp phần tạo ra một kênh dẫn vốn ODA hữu hiệu cho các định chế tài chính tham gia dự án. Đặc biệt trong dự án này, BQLDA đã tư vấn cho Ban Lãnh đạo NHNN và các bộ, ngành tiến hành đàm phán với phía ADB, cho phép hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tham gia vào dự án.
Dự án tiêu biểu nữa là dự án Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn I, có giá trị hơn 4 tỷ yên Nhật (tương đương 509 tỷ đồng), đáp ứng nhu cầu vốn đang rất thiếu của các DNNVV của Việt Nam đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho vay DNNVV của các NHTM. Dự án bắt đầu giải ngân khoản vay đầu tiên từ năm 2002, đến năm 2005, BQLDA đã hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn ban đầu của dự án trước thời hạn 3 tháng.
Từ thành công của dự án tài trợ DNNVV giai đoạn I, năm 2005, Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục tài trợ thêm 6,146 tỷ yên Nhật (tương đương 882 tỷ đồng) cho dự án tài trợ DNNVV giai đoạn II.
Với những nỗ lực của toàn bộ tập thể cán bộ BQLDA, dự án đã hoàn tất việc giải ngân toàn bộ nguồn vốn trước thời hạn so với kế hoạch đề ra trong Hiệp định vay vốn là 6 tháng và trước thời hạn của thông báo hiệu lực giải ngân của JBIC là 22 tháng.
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao tặng Bằng khen của Thống đốc cho tập thể BQLDA đã có thành tích xuất sắc trong việc quản lý, thực hiện các dự án ODA tại NHNN |
Trên cơ sở thực hiện thành công dự án DNNVV giai đoạn II với thành tích giải ngân ấn tượng, được phía nhà tài trợ đánh giá cao, BQLDA nhận thấy nhu cầu về vốn dài hạn đối với nền kinh tế là hết sức cần thiết nên đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất với Thống đốc NHNN và Chính phủ Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tài trợ dự án DNNVV giai đoạn III với số vốn lớn hơn nhiều so với số vốn cam kết của dự án I và II.
Tháng 10/2009, Hiệp định vay vốn ODA cho dự án Tài trợ DNNVV giai đoạn III đã được ký kết với tổng số vốn lên đến 17.379 tỷ yên Nhật (tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng). Dự án giai đoạn III đã kết thúc giải ngân sớm hơn thời gian dự kiến của nhà tài trợ và đã được các Đoàn đánh giá độc lập hậu dự án của JICA nhìn nhận và đánh giá mức 3 - mức cao nhất về các khía cạnh: Mức độ phù hợp, tính hiệu quả; tính hiệu lực, mức độ ảnh hưởng và tính bền vững của dự án.
Dự án trên đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn vốn và tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cho các DNNVV tiếp cận được nguồn tín dụng trung và dài hạn (hạn chế nguồn vốn trung dài hạn là một trong những khó khăn lớn nhất cản trở sự phát triển của DNNVV ở Việt Nam), từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp này tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất, tăng sản lượng và lợi nhuận. Đồng thời, dự án này cũng đã góp phần nâng cao năng lực thẩm định tín dụng và cho vay DNNVV của các NHTM tham gia dự án.
Trong 27 năm qua, BQLDA đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ và các bộ, ngành, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ODA của Chính phủ. Những kết quả đạt được trong quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA mà NHNN đóng vai trò là cơ quan thực hiện đã góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của NHNN Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.
![]() |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trao Bằng khen của Thống đốc cho 4 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các dự án ODA tại NHNN |
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương thành tích của tập thể cán bộ BQLDA trong suốt gần 27 năm qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Theo Phó Thống đốc, 27 năm không phải dài so với sự phát triển của Ngành nhưng chặng đường đó đối với BQLDA không phải là ngắn. Mặc dù trải qua không ít khó khăn, nhất là từ thời gian đầu mới thành lập, nhưng trong suốt thời gian qua, BQLDA đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với tư cách đơn vị đầu mối bán buôn, BQLDA rất tích cực, chặt chẽ, đạt mục tiêu, yêu cầu của các khoản vay dự án, đảm bảo luân chuyển quay vòng vốn hiệu quả...
Những kết quả mà BQLDA đạt được xứng đáng nhận phần thưởng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Thống đốc qua các năm, đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Ba mà Chủ tịch nước trao tặng cho BQLDA chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của Ngành cho những thành tích xuất sắc của tập thể cán bộ, công chức BQLDA.
Theo chia sẻ của Phó Thống đốc, Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 có nhiều điểm thay đổi quan trọng so với trước. Theo đó, cơ quan cho vay lại vốn ODA chỉ bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và TCTD được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện cho vay lại… Những quy định mới này đã đặt ra yêu cầu đối với Ban lãnh đạo NHNN trong việc xem xét, chuyển giao việc quản lý nguồn vốn các dự án ODA cho một cơ quan phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Trong thời gian qua, NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính đã phối hợp triển khai các bước để thực hiện chuyển giao các dự án. Tháng 3/2022, các Biên bản thanh lý Thoả thuận chuyển vốn đã được hai bên ký kết, đồng thời toàn bộ hồ sơ, tài liệu của các dự án đã được BQLDA bàn giao cho Vietcombank - ngân hàng quản lý thu hồi nợ các dự án theo ủy quyền của Bộ Tài chính. Đây là dấu mốc quan trọng chấm dứt toàn bộ các nghĩa vụ và trách nhiệm của NHNN trong việc quản lý và thực hiện các dự án này gần 30 năm qua.
Phó Thống đốc tin tưởng rằng Vietcombank sẽ phối hợp tiếp nhận những kết quả, quản lý các công việc mà dự án để lại, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của ngành Ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Nhân dịp này, để ghi nhận thành tích xuất sắc trong việc quản lý, thực hiện các dự án ODA tại NHNN của BQLDA trong suốt 27 năm hoạt động, Thống đốc NHNN đã ký các Quyết định khen thưởng Bằng khen của Thống đốc cho tập thể BQLDA. Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng có Quyết định tặng Bằng khen cho 4 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các dự án ODA tại NHNN, gồm: Vụ Hợp tác quốc tế, Vietcombank, BIDV và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-du-an-an-tuong-do-ban-quan-ly-cac-du-an-tin-dung-quoc-te-oda-thuc-hien-126351.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.