Khôi phục xúc tiến thương mại
Các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã và đang nhanh chóng khôi phục lại hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trực tiếp để tăng hiệu quả kết nối, góp phần tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị kết nối giao thương trực tiếp giữa TP. Đà Nẵng và 3 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum đã được tổ chức mới đây. Bên lề hội nghị, 60 gian trưng bày, giới thiệu hơn 100 sản phẩm OCOP sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thương mại đặc trưng của gần 80 doanh nghiệp sản xuất và đại diện các đơn vị phân phối của Đà Nẵng cùng 3 tỉnh Tây Nguyên. Sản phẩm chủ yếu là thế mạnh của các địa phương gồm: sâm Ngọc Linh, yến sào, trái cây đạt chứng nhận GloblGap của Kon Tum, thực phẩm chế biến; các nông đặc sản của Gia Lai gồm có bò một nắng, mật ong, dược liệu, gạo, chè Biển Hồ. Trong khi, Đắk Lắk có cà phê, măng tây, trái cây, tinh bột nghệ các loại. TP. Đà Nẵng lại “trình làng” những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
![]() |
Kết nối giao thương trực tiếp góp phần để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch |
Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện để các đơn vị trực tiếp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm với nhà phân phối, người tiêu dùng cũng như đẩy mạnh hoạt động kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh bán hàng trực tiếp. Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng cho biết, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình để góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của 4 địa phương gặp gỡ, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho biết: chúng tôi mong muốn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm chế biến của Đắk Lắk ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng; kết nối được các đầu mối, kênh phân phối để tăng tiêu thụ các sản phẩm địa phương.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Tại hội nghị này, lãnh đạo Sở Công thương TP. Đà Nẵng cùng Sở Công thương các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 4 địa phương. Trong đó, tập trung phối hợp trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại; tăng cường tổ chức và giới thiệu doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm thương mại, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, bình ổn thị trường do các bên tổ chức. Đồng thời, hỗ trợ, mời gọi các nhà phân phối, nhà bán buôn lớn tham gia kết nối, giao thương nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của các địa phương giới thiệu, hợp tác, tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa; Hỗ trợ giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, nông sản chủ lực, sản phẩm chế biến đến các trung tâm thương mại, siêu thị...
Trước đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị cũng đã tổ chức chương trình “Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đà Nẵng và doanh nghiệp Quảng Trị”. Gần 40 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của 15 doanh nghiệp sản xuất Đà Nẵng và Quảng Trị được trưng bày giới thiệu; Cùng sự tham gia của đại diện các đơn vị phân phối (đại siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch, tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàn và chợ Cồn…). Tại chương trình, đã có 19 biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp/nhà phân phối giữa hai địa phương.
Việc các hoạt động giao thương trực tiếp được tổ chức trở lại đã và đang mở ra những cơ hội phục hồi cho các doanh nghiệp. Theo bà Trần Thị Anh Đào - đại diện HTX Thảo Nguyên (Gia Lai) cho biết, chương trình kết nối giao thương trực tiếp rất hiệu quả. Đơn cử, mới đây HTX Thảo Nguyên đã kết nối được với 3 nhà phân phối tiềm năng, trong đó có nhà phân phối lớn như Big C (Go) Đà Nẵng. Nếu kết nối được với siêu thị, cửa hàng thì sản phẩm của chúng tôi sẽ đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi hơn.
Có thể nói, kết nối giao thương trực tiếp là vấn đề rất quan trọng và có hiệu quả đặc biệt cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là sau dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bên cạnh đó, với việc kết nối giao thương trực tiếp, phạm vi tìm kiếm đối tác, nhà phân phối cũng sẽ được mở rộng hơn; đơn vị sản xuất có cơ hội tốt hơn để tiếp cận, giới thiệu và giải đáp các thắc mắc đến các nhà phân phối hoặc người tiêu dùng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-cuong-ket-noi-giao-thuong-truc-tiep-126326.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.