Công nghiệp dầu khí cần những bước chuyển toàn diện và đồng bộ

Chiều 14/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam có vị trí quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại; có tác động lan tỏa đối với các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động cũng như đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

cong nghiep dau khi can nhung buoc chuyen toan dien va dong bo
Ảnh minh họa

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu: Xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí trong nước trước tình hình mới, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian; đồng thời, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn khí tự nhiên, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Đi vào một số nội dung cụ thể về hợp đồng dầu khí (Chương III dự thảo Luật), Ủy ban Kinh tế cho biết, nhất trí có quy định riêng tại Luật Dầu khí về đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) với những đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư và đặc thù liên quan đến tài nguyên, quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.

Tuy nhiên, hoạt động lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) là tiền đề cho việc ký kết hợp đồng dầu khí, không phải là nội dung điều chỉnh trực tiếp của hợp đồng dầu khí. Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tách quy định tại khoản 2 đến khoản 8 Điều 13 dự thảo Luật thành chương riêng quy định về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), đồng thời, đưa một số nội dung từ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chương này với những quy định một cách tổng thể, toàn diện, rõ ràng, cụ thể hơn, đồng thời, làm rõ những đặc thù trong hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí với những nội dung chính về nguyên tắc; quy trình; hình thức lựa chọn nhà đầu tư dầu khí (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào thầu cạnh tranh/đàm phán cạnh tranh, chỉ định thầu).

Về đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Luật Đấu thầu hiện hành quy định theo hướng chỉ loại trừ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí; không có quy định loại trừ đối với việc áp dụng pháp luật dầu khí đối với lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến thu dọn công trình dầu khí. Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã quy định về việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí) tại lô dầu khí mở được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí và việc nhà đầu tư dầu khí lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phải được thực hiện theo nguyên tắc nhất định được quy định trong hợp đồng dầu khí, nhà thầu (nhà đầu tư dầu khí) có nghĩa vụ báo cáo PVN về việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí; nhưng giữa Luật Đấu thầu và Luật Dầu khí chưa thống nhất về câu chữ quy định. Thuật ngữ “nhà thầu” trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) là “nhà đầu tư được phép tiến hành hoạt động dầu khí trên cơ sở hợp đồng dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn nhưng lại gây khó khăn trong phân biệt nhà thầu là nhà đầu tư dầu khí ký kết hợp đồng dầu khí và nhà thầu do nhà đầu tư dầu khí ký kết hợp đồng dầu khí lựa chọn để thực hiện một số dịch vụ dầu khí.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, dầu khí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, đa số được khai thác ở vùng biển, liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Vì vậy, để bảo đảm quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, cần quy định cụ thể tại văn bản luật những nội dung mang tính nguyên tắc cơ bản về việc nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, không phân biệt quốc tịch hay nguồn vốn; các nhà đầu tư dầu khí có quy trình, thủ tục riêng để lựa chọn nhà thầu nhưng phải trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc cơ bản tối thiểu này, trường hợp PVN và các đơn vị thành viên đồng thời là nhà đầu tư dầu khí thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-nghiep-dau-khi-can-nhung-buoc-chuyen-toan-dien-va-dong-bo-126323.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.