Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 cuối tuần qua, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, khó có thể dự báo chính xác những gì sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa biết ra sao, liệu các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa các nước phương Tây và Nga có thể làm trầm trọng bất ổn kinh tế toàn cầu? Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nếu không thực hiện rốt ráo, quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ triển khai Chương trình phục hồi, thì khó khăn của nền kinh tế sẽ lớn hơn.
Đề cập chi tiết hơn về chương trình phục hồi kinh tế, ông Thành lưu ý tới 2 điểm. Thứ nhất, phải đẩy mạnh thêm tốc độ làm chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các chính sách này cần theo quy trình bất thường. Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành cùng các bộ, ngành trong xây dựng các văn bản pháp quy chưa từng có trong tiền lệ để sau đó Chính phủ có nghị quyết, quyết sách mới nhanh chóng được ban hành, triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, hiện quy trình vẫn theo cách truyền thống, chúng ta cần phải đẩy nhanh tốc độ hơn nữa. Thứ hai, đó là chính sách thiết kế phải đơn giản, rõ ràng, để dễ thực thi và đỡ bị lạm dụng.
“Nếu cầu toàn quá, hay đòi hỏi không có bất cứ sai sót nào, thì rất khó đạt được tốc độ. Quan điểm của tôi là cần chấp nhận rủi ro, sai số nhất định và đi kèm đó là công khai, minh bạch điều kiện, tiêu chí cơ chế giám sát, kiểm soát song hành, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, va vấp, vi phạm... Cơ chế giám sát này quan trọng là bổ sung hoàn thiện để làm tốt hơn chứ không phải giám sát để họ sợ họ không dám làm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, yếu tố thực tế vô cùng quan trọng”, TS. Thành lưu ý.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá tích cực việc NHNN rất chủ động tiên phong ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Sau khi khẩn trương xây dựng Dự thảo Nghị định hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11 với nhiều giải pháp cụ thể, rõ ràng định hướng cho toàn ngành Ngân hàng bám sát triển khai để sớm đưa các quyết sách lớn của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 11. Đồng thời NHNN sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất trên cơ sở Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, NHNN vẫn tiếp tục duy trì với các giải pháp đã triển khai thành công trong nhiều năm qua để hướng tới đạt mục tiêu kép vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô như điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Về lãi suất, định hướng của NHNN là tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ các chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các TCTD tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023 nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên...
Tuy nhiên ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý. Vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp dễ dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng và gia tăng áp lực kiểm soát lạm phát.
Liên quan tới vấn đề này, một chuyên gia cho rằng, giải pháp nào cũng có hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, khi “bơm” thêm tiền ra thị trường tất nhiên cũng sẽ có rủi ro tạo áp lực lên lạm phát, thâm hụt ngân sách, nợ công tăng... Song trong những thời điểm quyết định, có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn bình thường. “Trước mắt có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Sau một, hai năm có thể quay lại mức lạm phát thấp để giữ kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Chúng ta sẽ phải tính toán để đánh giá và quản trị rủi ro đó, nhanh chóng triển khai để gói hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống”, một chuyên gia chia sẻ.
Đối với vấn đề giảm lãi suất, vị chuyên gia trên lưu ý, thời điểm này áp lực lạm phát gia tăng, nên việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như hiện tại là điều rất tích cực. Mục tiêu đưa ra mức giảm trên thực hiện trong 2 năm nên không nhất thiết phải giảm ngay tức thì trong thời điểm này mà có thể linh hoạt lùi lại một thời gian khi điều kiện thuận lợi hơn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/can-som-dua-cac-quyet-sach-lon-vao-cuoc-song-125668.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.