“Siết” quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Cần xử lý các cơ quan phát hành cố tình quảng cáo sai sự thật, quản lý chặt điều kiện mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm kịp thời đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm… nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng.

Thời gian gần đây trên website Cục An toàn thực phẩm - VFA (Bộ Y tế) liên tục phát đi những cảnh báo về hiện tượng một số công ty sản xuất thực phẩm chức năng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cụ thể, mới đây VFA phát đi thông báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Vị Khang và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Mộc Vị Khang đang có quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Hình thức vi phạm xuất hiện trên Facebook và một số website tại đường link như https://www.tapchidongy.org/thuoc-da-day-moc-vi-khang.html, https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/moc-vi-khang-thang-long, https://vivita.vn/da-day-moc-vi-khang,https://www.thuocdantoc.org/moc-vi-khang.html... quảng cáo với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

siet quang cao thuc pham bao ve suc khoe
Quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe dạ dày Mộc Vị Khang đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo

Hiện, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Vì vậy, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các đường link facebook nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ “tiền mất, tật mang” gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế gia đình.

Theo Bộ Y tế, mặc dù hiện nay đa số các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về quảng cáo. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận đã phát hành nội dung quảng cáo không đúng quy định. Ngoài các vi phạm của các doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm, bên cạnh đó còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Đặc biệt trong những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển thì việc lợi dụng mạng xã hội để đưa ra nội dung quảng cáo không đúng sự thật đã gây bức xúc dư luận xã hội.

Tìm hiểu thực tế, những vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay đang có chiều hướng gia tăng và ngày một tinh vi hơn với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật. Hình thức vi phạm chủ yếu đang diễn ra là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sỹ, quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng có tác dụng điều trị bệnh hoặc có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, một số tổ chức, đối tượng còn giả danh Đài truyền hình, sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội, trang tin điện tử. Hoặc quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận…

Số liệu thống kê của VFA cho thấy, năm 2020 Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở với 54 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 2,260 tỷ đồng. Năm 2021, Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở với 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt trên 1,544 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng nhấn mạnh, các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ rất rõ ràng và đầy đủ. Chỉ quảng cáo những nội dung đã được thẩm định của cơ quan chuyên môn, không được quảng cáo khi chưa thẩm định nội dung hoặc quảng cáo sai với nội dung đã được thẩm định; nghiêm cấm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, không được sử dụng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân vẫn vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm quy định pháp luật do vấn đề xử phạt chưa thực sự chặt chẽ và chưa đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề này không thể một sớm một chiều cũng như cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giám sát các hoạt động đa cấp nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật, có chế tài xử lý mạnh các sàn thương mại điện tử vi phạm pháp luật về quảng cáo. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp với Facebook, Google, YouTube và các mạng xã hội khác yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo. Xử lý các cơ quan phát hành cố tình quảng cáo sai sự thật, quản lý chặt điều kiện mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm kịp thời đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm… nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/siet-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-125372.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.