Không để thiếu phân bón cho sản xuất nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.

TS. Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay giá phân bón thế giới liên tục tăng bởi nhiều nguyên nhân như cước vận chuyển tăng, giá dầu tăng và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt cuộc xung đột Nga-Ucraine đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới. Ngay sau khi chiến sự nổ ra ngày 24/2/2022, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó. Theo đó, thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do Nga và Belarus cung cấp gần 50% lượng kali trên toàn thế giới.

khong de thieu phan bon cho san xuat nong nghiep
Ảnh minh họa

Theo TS. Phùng Hà, chiến sự xảy ra khiến việc vận chuyển bị đứt đoạn. Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang tăng lên. Tất cả những điều đó đã khiến giá phân bón tăng mạnh.

Hiện Nga và Trung Quốc là 2 nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cũng đã hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa, khiến phân bón đồng loạt tăng giá trên thị trường thế giới. Có thể nhớ lại rằng vào tháng 10/2021, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu như Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP...; Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao.

Được biết, năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón đạt 7 tỷ USD, Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 130.000 - 380.000 tấn phân bón từ Nga, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu. Năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga là 320.045 tấn (chiếm 6,27% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu). Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là kali 195.429 tấn (chiếm 15,13 tổng lượng kali nhập khẩu), NPK 109.552 tấn, DAP 14.217 tấn. Hai tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga 73.801 tấn, trị giá 40,390 triệu USD, trong đó nhập khẩu nhiều nhất là phân Kali 45.101 tấn.

Hiện tại các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân Ure, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Còn các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Tuy nhiên, phân kali và phân SA vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Theo TS. Phùng Hà, để đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón thì các nhà máy cần tăng công suất, giảm giá thành sản phẩm, chuyển nhanh phân bón đến tay người tiêu dùng, giảm đầu mối trung gian. Hiện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3,5 triệu tấn phân bón các loại từ URE, đến DAP, lân nung chảy, NPK... Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sản xuất 1,035 triệu tấn, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau sản xuất 898.000 tấn bao gồm urea, NPK, phân bón hữu cơ...

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân nên thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ. Đồng thời thực hiện 5 đúng khi bón phân: bón đúng chủng loại phân; bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; bón đúng nhu cầu sinh thái; bón đúng vụ và thời tiết; bón đúng phương pháp. Bộ này phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân Kali.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khong-de-thieu-phan-bon-cho-san-xuat-nong-nghiep-125163.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.