Khổ vì giá nhiên liệu và phân bón tăng cao

Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới. Điều này kéo theo giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Trong đó, có giá vật tư nông nghiệp, khiến người nông dân đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp niên vụ 2022-2023.

Tây Nguyên là khu vực phát triển mạnh ngành nông nghiệp. Chỉ tính riêng tại Đăk Lăk, mỗi năm người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương này sử dụng khoảng 1,2 triệu tấn phân bón các loại.

kho vi gia nhien lieu va phan bon tang cao
Giá nhiên liệu và phân bón tăng cao khiến nông dân thấp thỏm

Vừa luôn tay làm cỏ cho vườn hồ tiêu hơn 2.000m2 và hơn 4.000m2 cà phê vừa thu hoạch xong để tưới nước bón phân cho kịp thời vụ, chị Nguyễn Thị Hiếu ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) chia sẻ, năm nay giá nhiêu liệu đầu vào tăng quá cao. Chỉ tính riêng tiền dầu chạy máy tưới nước đã tốn gần cả triệu đồng/đợt tưới, gấp đôi so với mọi năm.

Không riêng giá nhiên liệu, từ cuối năm 2021 đến nay, giá phân bón cũng tăng liên tục. Cá biệt, có loại tăng đến 60 - 80%, thậm chí tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Theo ghi nhận tại thị trường Đăk Lăk, nếu đầu năm 2021, phân kali nhập khẩu có giá 7.000 đồng/kg thì nay tăng lên mức trên dưới 14.000 đồng/kg, tùy từng đại lý phân phối. Trong khi đó, giá phân S.A (Sunphat) nhập khẩu tăng trên 600.000 đồng/tấn, hiện giá bán lên đến 500.000 đồng/bao loại 50 kg. Phân urê trong nước của Cà Mau, Phú Mỹ từ 10.000 đồng/kg tăng lên 18.000 đồng/kg; NPK Việt Nhật tăng thêm 6.000 đồng/kg, hiện có giá 16.000 đồng/kg…

Không chỉ tăng đột biến về giá, một số nơi đã ghi nhận tình trạng khan hiếm mặt hàng phân bón.

Các đại lý kinh doanh phân bón cho hay, trước đây, muốn đặt hàng bao nhiêu cũng có. Thế nhưng từ giữa năm 2021 đến nay, mỗi đại lý phân phối chỉ đặt được đơn hàng khoảng 100 tấn cho mỗi lần nhập hàng.

Theo các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây, khiến chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến đẩy giá phân bón tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Một đại lý kinh doanh phân bón ở huyện Krông Năng (Đăk Lăk) cho hay, vào đầu vụ, người dân tập trung mua phân bón với số lượng lớn để đầu tư chăm bón cho vườn cây. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn hơn, cộng thêm giá phân bón tăng cao tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và khiến nông dân thấp thỏm. Theo đó, người mua cũng e dè hơn, chỉ mua số lượng đủ để bón trong 1 đợt.

Trước bối cảnh giá phân bón tăng từng ngày, chính quyền, Hội Nông dân các địa phương đã tổ chức hướng dẫn người nông dân tăng cường tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ bón cho vườn cây. Đăk Lăk là địa phương nông nghiệp nên khối lượng phụ phế phẩm từ nông nghiệp thải ra lớn. Chỉ riêng với sản lượng cà phê lớn, hàng năm, qua hoạt động chế biến sẽ thải ra môi trường khoảng 250.000 tấn vỏ cà phê khô. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ có thể chế biến thành nguồn phân hữu cơ phục vụ tái sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đắc Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk), Hội Nông dân xã đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tăng cường áp dụng các quy trình ủ phân vi sinh, tái sử dụng hiệu quả các phụ phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để đầu tư lại cho vườn cây theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Với giá phân bón đang tăng cao, người nông dân tận dụng được nguồn phụ phế phẩm để làm phân bón phục vụ sản xuất, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, qua nghiên cứu, chất dinh dưỡng trong vỏ cà phê rất cao, có thể nói không thua gì chất lượng của các loại phân chuồng tốt nhất hiện nay trên thị trường. Vậy nên, những năm gần đây, người dân bắt đầu dùng vỏ cà phê để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Theo tính toán, trên 1ha cà phê nếu người dân sử dụng hoàn toàn vỏ cà phê ủ phân bón lại có thể tiết kiệm từ 10 - 15% chi phí đầu tư. Ngoài ra, khi bón phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê thì sẽ giúp cải tạo đất và tăng hiệu lực sử dụng phân bón hóa học cho cà phê cũng như các loại cây trồng khác.

Ngành Nông nghiệp Đăk Lăk cũng khuyến cáo, nông dân nên sử dụng phân bón hợp lý. Cùng đó, cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, thay thế các loại phân hóa học để giảm thiểu chi phí đầu vào và góp phần cải tạo đất, giúp cây trồng sinh trưởng tốt.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kho-vi-gia-nhien-lieu-va-phan-bon-tang-cao-125059.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.