Nhà văn Lê Phương Liên: Từ những trang viết cho thiếu nhi tới tiểu thuyết dã sử

Tôi gặp nhà văn Lê Phương Liên nhiều lần. Lần nào gặp gỡ và trò chuyện cũng nhận được ở bà sự hồn hậu, ấm áp. Sự ấm áp ấy tôi cũng đã từng gặp trong những trang văn của bà. Những con chữ mà bà đã bền bỉ gieo xuống khu vườn văn học cho thiếu nhi trong hơn nửa thế kỷ qua.

Nhà văn Lê Phương Liên kể rằng, bà sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội năm 1951. Thuở bé, cô bé Liên yêu mê văn học và từng đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc thời trung học, nhưng phải đến khi trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thì mới thực sự “bén duyên” với văn chương.

nha van le phuong lien tu nhung trang viet cho thieu nhi toi tieu thuyet da su
Nhà văn Lê Phương Liên với cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tay

Đến bây giờ, trong khu vườn văn học cho thiếu nhi, Lê Phương Liên là một người nối tiếp những “cây cổ thụ” như Đoàn Giỏi, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phong Thu… Những cuốn sách viết cho thiếu nhi của bà như “Những tia nắng đầu tiên” (1971), “Khi mùa xuân đến” (1973), “Hoa dại” (1995), “Cuộc phiêu lưu của chú Rối Tễu” (2009); hay 2 cuốn tiểu thuyết “Khúc hát hạnh phúc” (2002) và “Ký ức ánh sáng” (2012)... có thể ví như những hạt mầm, gieo những ước mơ, khát vọng cho thiếu nhi. Đọc sách của bà, những câu chuyện giản dị nhưng niềm vui và nỗi buồn cũng đều lấp lánh.

Tôi còn nhớ, cách đây ít lâu, nhà văn Lê Phương Liên có gửi tặng tôi cuốn “Câu hỏi trẻ thơ” do NXB Kim Đồng ấn hành. Cuốn sách tuyển chọn 50 tác phẩm kỷ niệm 50 năm cầm bút của bà. Trong đó, bà chọn 25 truyện ngắn và 25 tản văn. Có tác phẩm bà mới viết như “Mùa xuân Corona”, còn lại là những tác phẩm được giải thưởng trong các cuộc thi, từng được in trên báo và trong các tuyển tập sách đã xuất bản của tác giả. Những truyện ngắn, tản văn trong cuốn sách viết về nhiều chủ đề khác nhau, được sáng tác ở nhiều thời điểm, bối cảnh khác nhau. Từ những truyện viết về đề tài mái trường từ chính trải nghiệm của tác giả, đến những truyện đồng thoại nhỏ xinh, những trang văn đẹp đẽ, trong trẻo dành cho lứa tuổi nhi đồng. Tác giả cũng dành nhiều trang viết về các vùng đất mà tác giả có cơ hội đặt chân tới. Bà lựa chọn tên truyện đầu tay “Câu hỏi trẻ thơ” để đặt tên cho tập sách, như một kỷ niệm khó quên trong đời cầm bút.

Không chỉ viết truyện ngắn cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên còn viết tản văn, truyện lịch sử cho các em. Những cuốn sách về Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Bùi Thị Xuân, Quang Trung… trong bộ sách truyện tranh lịch sử Việt Nam được tái bản nhiều lần đã góp phần hun đúc tình yêu sử Việt cho nhiều thế hệ thiếu nhi.

Nữ nhà văn bộc bạch: “Từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, lẽ sống của tôi là tình yêu thương con người, nhất là những người bé bỏng như trẻ em”. Chính bởi thế mà suốt những năm tháng cầm bút bà miệt mài vun đắp yêu thương trẻ em qua những trang viết trong trẻo, hồn hậu và ấm áp. Nhà văn cho rằng, để viết được cho trẻ em không phải gặp khó ở nghệ thuật mà chính là sự khó từ tâm can, từ tình cảm, từ sự rung động chân thật của người viết. Nói cách khác, nó phải khởi xuất từ trái tim của mỗi người cầm bút. Và chính nhờ điều đó, người viết mới có thể tạo cho mình một sức bền của bút lực nếu có ý định sống suốt đời vì sự nghiệp văn học thiếu nhi.

Đã nghỉ hưu, nhưng nhà văn Lê Phương Liên vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa, đặc biệt là các sự kiện có liên quan đến thiếu nhi. Bà đi nói chuyện ở trường này, bà đi tọa đàm ở trường khác. Rồi lại thấy bà tham gia làm giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU hay ngồi chấm chọn một giải thưởng văn chương cho thiếu nhi… Tất cả, đều vì một mong muốn vun đắp cho trẻ thơ những điều tốt đẹp nhất. Đặc biệt, bà mong các em sẽ đến gần hơn với sách…

Ở tuổi 70, nhà văn Lê Phương Liên gây bất ngờ với bạn đọc, bạn viết khi bà ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử “Nữ sĩ thời gió bụi”. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà. Và có lẽ, đây cũng là tác phẩm công phu nhất mà bà hướng tới đối tượng độc giả đã trưởng thành.

Kể về cơn cớ viết cuốn sách này, nhà văn Lê Phương Liên bảo, “hết sức tình cờ”. Bà còn nhớ, đó là vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất (năm 2008), hôm đó bà đi dự Ngày Thơ Việt Nam. Trên sân Thái Học, bà tình cờ gặp lại một người ở làng Phú Xá (nay là Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Chuyện trò một chút, người này muốn mời bà về dự hội làng Phú Xá, viếng mộ Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Chuyện thêm một chút nữa, người này bảo, thực sự muốn bà viết một cuốn sách về bà Đoàn Thị Điểm… Từ nguồn cơn ấy, rồi chuyện nọ dắt chuyện kia, hình như có một sự định đặt nào đó, cuối cùng nhà văn Lê Phương Liên đã hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết dã sử gồm 5 chương (“Con nuôi quan thượng thư”, “Tùng tàn, trúc gãy, chỉ còn mai xanh”, “Duyên phận kỳ nữ”, “Phu nhân Nguyễn Kiều”, “Thi nhân trong mưa biển”), dày gần 300 trang - một tác phẩm được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về cuộc đời của một nữ trí thức thời phong kiến ở Việt Nam.

Chính nhà văn Lê Phương Liên cũng bảo, trước đó, ngay cả lúc còn sung sức, bà chưa từng nghĩ mình sẽ viết tiểu thuyết dã sử về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - bậc "nữ nhân kỳ tài" đặc biệt trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Thế nhưng, khi viết tiểu thuyết này, bà lại cảm thấy “hăng hái ngồi bên bàn phím, viết đêm viết ngày như là nhập đồng, như là có một nguồn lực siêu nhiên nào thôi thúc”.

Tôi sẽ không đi sâu vào nội dung cuốn tiểu thuyết, bởi mỗi người, nếu muốn, sẽ tự tìm đọc và đưa ra những kiến giải của mình. Văn học là vậy. Không thể và cũng không nên áp đặt. Mỗi người, bằng kinh nghiệm, kiến thức và sự cảm thụ của mình sẽ có những nhận xét riêng. Tôi chỉ muốn nói rằng, đây là một tác phẩm rất tâm huyết của Lê Phương Liên, qua những trang văn của bà, bà đã dựng lên một chân dung Đoàn Thị Điểm “phóng khoáng và chân thật, duyên dáng và thông tuệ, vừa trí thức lại vừa dân giã…”.

Nhà văn Lê Phương Liên từng giành các giải thưởng như Giải thưởng Bộ Giáo dục (năm 1970) cho truyện ngắn “Câu hỏi trẻ thơ”, Giải thưởng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Huy chương Vì Thế hệ trẻ (1981) cho “Những tia nắng đầu tiên” và “Khi mùa xuân đến”, Huy chương Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật năm 1997. Bà từng giữ chức vụ Trưởng ban Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nha-van-le-phuong-lien-tu-nhung-trang-viet-cho-thieu-nhi-toi-tieu-thuyet-da-su-124719.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.