Sức hút Việt Nam trên đường đua FDI

Bất chấp những tác động khó lường từ đại dịch Covid-19, năm 2022, Việt Nam tiếp tục thể hiện sức hút khó cưỡng với các nhà đầu tư nước ngoài và là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tại Diễn đàn kinh tế thường niên Việt Nam 2022 (VBF) với chủ đề “Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới” vừa qua, phần lớn các đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại diễn đàn đều khá lạc quan với triển vọng của nền kinh tế và cam kết tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới.
suc hut viet nam tren duong dua fdi
Vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đang ngày càng được nâng cao

Với những nỗ lực trong phòng chống dịch và thúc đẩy chương trình hồi phục kinh tế-xã hội trong bối cảnh bình thường mới, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức “không tưởng” và dần lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư. Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục sôi động, bất chấp diễn biến khó lường từ đại dịch.

Vị thế mới

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngay từ tháng đầu năm 2022, hoạt động thu hút FDI đã diễn ra khá sôi động tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều dự án tiếp tục mở rộng quy mô, đi vào giai đoạn hoạt động ổn định tại Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 1/2022, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ. Trong đó, vốn điều chỉnh tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đều tăng mạnh. Có 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với mức vốn tăng thêm hơn 1,27 tỷ USD, tăng 54,3% về số dự án tăng vốn và tăng gần 2,7 lần về số vốn so cùng kỳ. Nhà đầu tư cũng thực hiện 206 lượt góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam, tăng 6,2% với tổng giá trị vốn góp đạt 443,5 triệu USD, tăng 2 lần so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án đã tăng vốn, mở rộng quy mô trong những ngày đầu năm mới. Có thể kể đến ở đây như dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An; dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc) tăng vốn thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh; dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC-Hàn Quốc) tăng vốn 163 triệu USD tại Phú Thọ…

Vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đang ngày càng được nâng cao, đặc biệt là sau khi nước ta đã ký và thực thi hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, giúp Việt Nam liên tục đạt kỷ lục mới về xuất nhập khẩu và lọt vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Khẳng định tại Diễn đàn VBF 2022, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho rằng, việc sớm quay trở lại trạng thái trước đại dịch là điều cần thiết để mang lại dòng vốn FDI sớm trở lại Việt Nam trong tương lai khi Việt Nam đang ở một vị thế mạnh hơn để phát triển thịnh vượng hơn.

Theo Chủ tịch Alain Cany, các doanh nghiệp châu Âu đã đưa ra những tín hiệu lạc quan và tự tin với môi trường đầu tư “bình thường mới” của Việt Nam, khi chỉ số môi trường kinh doanh của Eurocham đã tăng 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022.

“Khi Covid-19 dần được kiểm soát, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh”, ông Alain Cany kỳ vọng.

suc hut viet nam tren duong dua fdi
Bên trong nhà máy sản xuất của doanh nghiệp FDI

Hiện thực hóa môi trường đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số

Cũng tại diễn đàn đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã có ý kiến đóng góp, “hiến kế” cho Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng thể chế…để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư FDI.

Đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam dưới sự chỉ đạo vững vàng và những cam kết quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Inoue Soichi kiến nghị, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống linh hoạt để doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thuận lợi nguồn vốn trung và dài hạn từ nước ngoài; phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường chuỗi cung ứng, thiết lập hệ thống tài chính kịp thời.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách nhằm hiện thực hóa môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi và tạo điều kiện để chuyển đổi số là chìa khóa đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại diện Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) Nitin Kapoor khuyến khích Việt Nam cần mở cửa trở lại an toàn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển, đồng thời khẳng định sự đồng hành của BritCham cũng như cộng đồng doanh nghiệp Anh Quốc cùng Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường, đóng góp vào sự tăng trưởng mới của đất nước.

Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế Amy N. Luinstra cho rằng, mặc dù do đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả trong thu hút FDI, xuất khẩu, thặng dư thương mại; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể; đây là những kết quả rất tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh rất khó khăn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn như mức độ tăng trưởng, năng suất bị tác động, sự đứt gãy của chuỗi giá trị, cung ứng, biến đổi khí hậu,… và cần có những thay đổi chiến lược trong tương lai, nâng quy mô doanh nghiệp FDI, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với nước ngoài tham gia chuỗi cung ứng.

Ba “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI (VAFIE), để tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI chất lượng, Việt Nam cần giải quyết ít nhất 3 “điểm nghẽn”.

Thứ nhất, dù Chính phủ luôn có ý thức và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng đáng tiếc khâu thực thi chưa theo kịp. Bởi vậy, cần có thể chế hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, ổn định như kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng ta làm luật và sửa luật rất nhanh. Nếu không có sự ổn định về thể chế, không thể thu hút được đại bàng”, ông Mại lưu ý.

Thứ hai, chuyện sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn là điểm yếu. Nếu không đảm bảo được vấn đề này, nhất là với các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, họ sẽ không an tâm.

Thứ ba, tham nhũng đang là vấn đề nổi cộm, dù 2-3 năm gần đây chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong phòng chống tham nhũng.

“Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang làm khó nhà đầu tư bằng các thủ tục nhiêu khê, bằng các chi phí không chính thức… Bởi vậy, cần quan tâm hơn nữa cải cách môi trường đầu tư, làm sao thủ tục đơn giản, minh bạch, tiên liệu được và thống nhất cách hiểu từ trên xuống dưới. Hơn lúc nào hết, đây là lúc phải nâng cấp bộ máy nhà nước, phát triển chính phủ số, chính phủ kiến tạo… Định hướng này chúng ta đã có, chỉ cần thực thi đầy đủ và hiệu quả”, ông Mại đề xuất.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/suc-hut-viet-nam-tren-duong-dua-fdi-124635.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.