Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về hướng Sóc Sơn, Việt Phủ Thành Chương ẩn mình trong màu xanh của cây lá. Thoáng gặp đã cảm nhận một vẻ tao nhã, tịnh mịch và bình yên thân thuộc, có chút cảm giác như người con đi xa được trở về quê nhà đầm ấm, lắng đọng. Bước qua cánh cổng Việt Phủ Thành Chương, dưới vòm cây chim hót, bạn được tan vào những câu chuyện lịch sử văn hóa Việt Nam thông qua kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và các di vật dân gian.
![]() |
Không gian thanh bình của Việt Phủ như “thỏi nam châm” hút người dân và du khách Thủ đô |
Nơi đây, khách đến khá thưa thớt, khiến cho ai bước vào khuôn viên này, cũng có được sự riêng tư, yên tĩnh dành cho chính mình để cảm nhận một dòng chảy văn hóa Việt cổ trong những đối thoại thầm thì với những cổ vật, của màu thời gian lắng đọng trên cổ vật và cả không gian xung quanh. Những hoài niệm, kỷ niệm hay hiểu biết của du khách về văn hóa Việt không chỉ dừng lại trong trang sách hay lời thuyết minh như khi bạn đến Bảo tàng, ở Việt Phủ, bạn được trải nghiệm trong dòng chảy văn hóa đó, được tương tác, được hít thở, chạm vào và “sống cùng”. Được ngồi trên bộ trường kỷ mà thớ gỗ phơi màu thời gian, được khỏa tay vợt nước bên bờ ao hình bán nguyệt với đàn cá bơi vui vẻ. Được uống trà ướp sen Tây Hồ dưới mái đình vọng nguyệt đầy tiếng chim. Hay thưởng thức bữa ăn trưa mang đậm đà hương vị bắc bộ… Tất cả, làm nên vẻ đẹp, hấp dẫn cuốn hút của Việt Phủ.
Và kia, bạn sẽ nhận thấy chủ nhân Việt Phủ - họa sĩ Thành Chương đang cùng với vài người khác chú tâm trong công việc sáng tạo nghệ thuật của họ. Ông ấy cũng giống như bạn, đang lặng lẽ thưởng lãm nghệ thuật, miệt mài lao động trong thế giới riêng của mình. Trong khi đó, ở một góc khác, người phụ nữ xinh đẹp đang điều phối công việc, hay nói chuyện với người này người kia, khuôn mặt luôn rạng ngời tươi tắn, là chị Ngô Hương, người bạn đời và đồng thời là người đồng hành cùng Thành Chương để gây dựng nên không gian văn hóa Việt độc đáo này.
Việt Phủ khiến người thưởng lãm luôn phải thốt lên lời cảm thán, kinh ngạc bởi số lượng, sự đa dạng, độ cổ xưa, sự tinh tế, đặc biệt là nghệ thuật sắp đặt các sản phẩm thật sống động. Trong khá nhiều trường hợp, những sản phẩm nằm ở giữa địa hạt nghệ thuật và thủ công, nó cho thấy tính chân thực gần gũi và nỗ lực của chủ nhân nhằm làm sống động một không gian văn hóa, chứ không đơn thuần là trưng bày cổ vật cũ kỹ. Sự hiện hữu của hàng trăm pho tượng các thời làm bằng gỗ sơn thếp, hàng trăm pho tượng quan hầu và con giống đá, vô vàn những đồ thờ và hương án, sập gụ tủ chè, bình phong, hoành phi, câu đối… đã khiến GS. TS. KTS Hoàng Đạo Kính thốt lên: “Không thể tưởng tượng nổi bằng sự nhẫn nại nào và bằng công sức cùng tiền của nào mà họa sĩ Thành Chương đã phát hiện và thu gom về đây là một khối lượng ghê gớm những tài sản văn hóa như thế!”.
Một khung cảnh như cuộc sống của người Việt cứ bình yên diễn ra trong mỗi trải nghiệm của bạn. Thật tự nhiên, tươi mới là giá trị nổi bật mà Việt Phủ Thành Chương mang lại cho người đến thưởng lãm. Trông thì giản dị thế, mà để có được điều ấy là một hành trình lao động nghệ thuật cật lực, một hiểu biết lịch lãm về văn hóa và năng lực điều hành đầy bản lĩnh. Theo chị Ngô Hương, năm 2001, nơi đây được khởi sự với ý định ban đầu là hình thành một không gian cá nhân, nơi họa sĩ Thành Chương và gia đình có thể thưởng thức và trân trọng nghệ thuật Việt Nam.
Đến thời điểm này, đã tròn 20 năm khi họa sĩ Thành Chương đặt viên gạch đầu tiên để hiện thực hóa ý tưởng, đó là phục dựng một không gian văn hóa Việt lịch đại, nỗ lực kiến tạo một cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai dân tộc. Trong 20 năm đó, chắc chắn có biết bao khó khăn trở ngại mà họ đã vượt qua.
Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: “Tôi đã có nhận thức rõ rằng di sản văn hóa của cha ông thực sự đẹp đẽ, minh triết và lớn lao nhưng chiến tranh, thiên họa, ý thức của con người đã khiến những di sản ấy bị tàn phá khá nhiều. Tôi luôn day dứt: "Chúng ta còn lại cái gì?". Tôi tin là mỗi người chúng ta đều yêu quý và trân trọng di sản và cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn nó. Như thế di sản của cha ông mới tồn tại và phát triển được".
Bản chất văn hóa của người Việt là sự giản dị, mộc mạc, hồn nhiên, trong sáng. Điều đó luôn là thứ mạnh mẽ nhất, là gốc rễ sâu chắc nhất của người Việt.
Bởi thế, 20 năm trước, họa sĩ Thành Chương đã cân nhắc rất kỹ và đưa ra quyết định: "Không thể dùng phương pháp tổng hợp. Không thể chọn lọc sự tiêu biểu. Mô hình bảo tàng quen thuộc thì chứa đựng những yếu tố lỗi thời. Giải pháp duy nhất là sáng tạo". Ông không đặt vào đó những mô hình, bộ sưu tập một cách rập khuôn, máy móc mà sắp đặt một đời sống, trả các cổ vật về với đời sống thực sự của chính nó như trước kia, trong sự hòa hợp với những yếu tố mới của thời đại. Từ con đường mòn nhỏ bình dị với những thửa ruộng hai bên dẫn đến Việt Phủ, cho đến chiếc cổng, rồi những ngôi nhà, cội cây, ao sen, thủy đình, những vật dụng, những tượng phật… đã phục dựng không gian này một cách chính xác như lịch sử đời sống và văn hóa của người Việt. Đấy là cách ông làm cho mọi cổ vật có từ hàng trăm năm, đến hàng ngàn năm như đang được thức dậy, phả ra những hơi thở tươi non và nồng ấm của cuộc sống.
![]() |
Việt Phủ Thành Chương ẩn mình trong màu xanh của cây lá |
Sau gần 10 năm gây dựng, đến năm 2009 Việt Phủ mới thận trọng từng bước mở cửa đón công chúng vào thưởng lãm. Ngay từ đầu, không gian thanh bình của Việt Phủ như “thỏi nam châm” hút người dân và du khách Thủ đô. Theo chị Hương, để giữ được vẻ tịnh mịch, hoài niệm của không gian thưởng lãm, chị đã rất cân nhắc việc tiết chế lượng du khách vào cửa. Đương nhiên, điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ về doanh thu, dẫn đến nguồn kinh phí cho việc bảo tồn cũng không thể dồi dào. Tuy nhiên, đây là một quyết định đúng đắn góp phần giữ được vẻ đẹp và sức cuốn hút của nơi này. Nghe chị chia sẻ, càng thấm thía lời thổ lộ của họa sĩ Thành Chương: “20 năm đồng hành cùng Việt Phủ, đến nay cũng là hai thập niên “đủ mùi ca ngâm”, nhưng tình yêu và khát vọng còn mạnh hơn những trở ngại đó. Tôi "sinh thành" ra Việt Phủ nhưng người có công "dưỡng dục" để Việt Phủ tồn tại, phát triển và có những hướng đi đúng là nhờ Ngô Hương - vợ tôi”.
Tiếng kẽo kẹt của cánh cửa gỗ mở ra những khoảng không gian đậm màu hoài cổ. Với nét kiến trúc truyền thống thấm đẫm hồn Việt, những nhà sàn, nhà bức bàn, những nhà long đình, nhà đại khoa hay nhà tường vân… khiến lòng người như dịu lại, chùng xuống. Như được lội ngược dòng thời gian về với một miền ký ức đã xa, nhạt nhòa, mờ mờ nhân ảnh.
Và khói, bảng lảng, quẩn quanh khắp mọi nơi. Gợi nhớ những sợi xám bạc, mỏng manh, thơm mùi rơm rạ uốn lượn từ căn bếp đơn sơ một chiều xưa cũ. Khói hương trầm thơm ngát giúp gương mặt những pho tượng như thoát tục, phiêu linh.
Cũng không thể thiếu đi điểm nhấn quan trọng, cái trục nối kết mang đến tinh thần văn hóa cho toàn bộ hệ thống kiến trúc ấy chính là quần thể những bức tượng. Tượng đá, tượng gỗ, tượng Phật và gốm cổ được sắp đặt, bài trí trong nhà, ngoài sân, hài hòa sống động khắp nơi trong biệt phủ.
Khoan thai những thanh âm thiền tịnh, đều đều tiếng kinh nguyện cầu. Nhạc thiền Phật giáo kết hợp được một không gian mờ ảo, giữa sự tồn tại giữa ánh sáng và bóng tối và giúp người nghe có một cảm giác hoàn toàn tỉnh thức. Tất cả đơn giản, dịu dàng và yên bình, theo nhịp điệu nhẹ nhàng của chính thiên nhiên khiến ai đã tới đây một lần đều mong ngóng được quay trở lại. Và chợt nhận ra một điều giản dị, “có một con đường dẫn ta đến nơi trú ngụ của tâm hồn Việt. Đó chính là con đường dẫn đến Việt Phủ Thành Chương”.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/noi-day-binh-yen-chim-hot-124021.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.