![]() |
Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Cá tính và tài hoa
Đạo diễn Đặng Nhật Minh là một tên tuổi được nhiều người nhắc tới khi nói về điện ảnh Việt Nam. Ông nổi tiếng với các phim “Thị xã trong tầm tay”, "Bao giờ cho đến tháng 10", "Thương nhớ đồng quê", “Hà Nội mùa đông 1946”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”… Tuy nhiên, trước khi để lại dấu vân tay trong điện ảnh, ông khởi đầu với phim tài liệu. Những bộ phim “Theo chân những người địa chất” (1965), “Hà Bắc quê hương” (1967), “Tháng 5 - Những gương mặt” (1975), “Nguyễn Trãi” (1980)… cho người ta nhận thấy cá tính của Đặng Nhật Minh.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh, sinh ngày 11/5/1938, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông từng tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình toàn những người làm nghề Y và dạy học, không có mối liên hệ gì với nghệ thuật, nhất là với nghệ thuật điện ảnh”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh là con trai của GS. Đặng Văn Ngữ. Theo tử vi, ông mang mệnh thổ - Thành Đầu Thổ (nghĩa là đất trên tường thành).
Những bộ phim của ông thường tạo ra những xúc cảm trong lòng khán giả. Lại có những bộ phim vừa tạo xúc cảm vừa gây tranh luận thú vị. Trong giới điện ảnh, nhiều người thừa nhận, Đặng Nhật Minh là người rất cá tính, luôn nghĩ khác và làm khác những nhà làm phim cùng thời. Với những tác phẩm điện ảnh của mình, ông đã vươn khỏi khuôn khổ thẩm mỹ của điện ảnh cách mạng, để nói lên được những vấn đề con người, vấn đề cả nhân loại quan tâm.
Năm 2008, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” của ông được Đài truyền hình CNN của Mỹ bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Năm 2010 ông được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ vinh danh tại Hollywood là đạo diễn có đóng góp xuất sắc cho điện ảnh Việt Nam…
Ngoài làm phim, sự cá tính và tài hoa của Đặng Nhật Minh còn thể hiện trong việc viết truyện ngắn.
|
Nhạc sĩ Dân Huyền: Tôi là con hổ giấy
Nhạc sĩ Dân Huyền là tác giả của nhiều ca khúc như “Bên lăng Bác Hồ”, “Cung đàn tuổi xanh”, “Lắng tiếng quê hương”, “Gửi anh một khúc dân ca”, “Duyên Quan họ”… Ông quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh vào giờ Dần, năm Mậu Dần (1938) vì thế cha mẹ đã đặt tên cho đứa con trai thứ 4 là Phạm Ngọc Dần. Có thể nói, đó như cách gửi gắm một khí thế dũng mãnh qua tên con trai yêu quý. Nhạc sĩ từng tiết lộ, theo lời kể của mẹ, khi chào đời ông không khóc to như các anh chị. Từ nhỏ cậu bé Dần đã rất thích sưu tầm tranh ảnh có con hổ. Với thế giới loài vật, hổ là một trong những loài có ích cho con người.
Theo nhạc sĩ Dân Huyền, hổ có sự thông minh theo cách của nó, con người khó mà hiểu được. “Người ta thường bảo, ai sinh vào năm Dần cũng mang một số tính cách của con hổ. Trong dân gian có câu “Nam thực như hổ”, với tôi có lẽ ngược lại. Ăn rất ít, uống cũng rất ít. Thời “hoàng kim” nhất trọng lượng cũng chỉ “nhỉnh” hơn 50kg, dần dà ngày càng tụt xuống đến mức không thể gầy hơn. Có thể vì thế nên tôi thấy mình chỉ là con hổ giấy, hổ nhựa thôi. Hổ giấy, hổ nhựa thì hiền lành, đâu có làm hại ai bao giờ, lại thường được mọi người thương yêu, giúp đỡ và kết bạn”, ông từng tâm sự như vậy.
Lựa chọn cho mình một cách sống khá mềm dẻo, nhạc sĩ Dân Huyền thích ứng với thời cuộc, chơi rộng rãi với nhiều giới. Sau khi nghỉ hưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam ông vẫn còn hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó làm chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca. Ngoài ra, ông còn viết báo, viết sách. “Tuyển tập 200 câu có hỏi mới biết” gồm những câu hỏi đáp trên sóng phát thanh của thính giả và nhạc sĩ Dân Huyền (từ năm 1997 đến khi ông về hưu) trong quá trình ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuốn sách được chia làm 4 phần: Nhân vật lịch sử; Di tích, địa danh, thắng cảnh; Văn hóa - Nghệ thuật và Khoa học - Đời sống. Trong đó, nhiều câu hỏi với những chủ đề đa dạng nhất là phần Văn hóa - Nghệ thuật. Với cách trả lời ngắn gọn, bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của “Tuyển tập 100 bài hát”, “Tuyển tập 150 bài thơ”, “2.000 câu đố dễ nhớ”…
“Hổ giấy, hổ nhựa thì hiền lành, đâu có làm hại ai bao giờ, lại thường được mọi người thương yêu, giúp đỡ và kết bạn” |
Nhà văn Trần Thị Trường: Quyết tâm và quyết đoán
Ấn tượng của tôi về nhà văn Trần Thị Trường, đó là một người đàn bà vội vã. Nhất là cái đận bà tham gia cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương ở Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam thì cái sự vội ấy lại càng tăng. Công việc ở Trung tâm nhiều, chỉ là một. Cái nữa, trong con người Trần Thị Trường còn có những “ngăn” khác nhau, chỗ này là nhà văn, chỗ kia là nhà báo… Mà phần nào cũng thấy tên bà xuất hiện, đủ gây nhớ cho người đọc. Mấy năm nay, lại thấy Trần Thị Trường tất tả với Studio Phố Hoài ở trong làng Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bà vẽ, bà đón bạn bè, bà triển lãm… Nếu không vì giãn cách, thì lúc nào nơi này cũng thấy xôn xao…
Nhà văn Trần Thị Trường, sinh năm 1950, tuổi Canh Dần. Tuổi ấy mang mệnh mộc: Tùng Bách Mộc. Nghĩa là gỗ cây tùng, cây bách. Bướng ra trò. Nhưng cũng khổ lâm li. Kinh nghiệm dân gian cho rằng đó là tuổi “Canh cô, Mậu quả”. Những người tuổi Canh Dần thường cô đơn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu họ có cuộc sống đầy đủ về hôn nhân thì họ vẫn cô đơn trong tư duy bởi họ mạnh mẽ, bản lĩnh, giỏi giang, tử tế, cương trực thẳng thắn. Là đàn bà nhưng lại chèo lái con thuyền gia đình và cuộc sống bản thân. Theo nhà văn Trần Thị Trường, những người tuổi Canh Dần như bà ngoài việc xây đắp cho mình một sự nghiệp riêng tất cả đều là người tự xây nhà (hoặc mua nhà) cho mình và gia đình mình. Người tuổi Hổ rất nghị lực, mang chữ Canh đều biết vượt khó vượt khổ, biết các thoát khỏi tình trạng tù túng, trì trệ bằng cách nhân văn, tử tế và tự trọng. Tuy nhiên, chính những điều đó lại là một điểm yếu vì quan niệm của não trạng xã hội châu Á, của đàn ông nên không phải bao giờ cũng gặp may mắn. Nhưng họ không gục ngã. Và dường như, họ đều là những người đàn bà có nhan sắc tồn tại cùng trí thông minh của mình.
Đang nổi tiếng với hàng loạt truyện ngắn và tiểu thuyết như “Thời gian ngoảnh mặt”, “Tình như chút nắng”, “Những đóa hồng xanh”, “Phố Hoài”… nhà văn Trần Thị Trường dứt bỏ, để dấn bước vào hội họa. Hiện nay, hàng ngày bà đắm chìm trong thế giới của màu sắc và những cuộc tiếp đón bạn bè đến chơi, giao lưu ở Studio Phố Hoài. Những xôn xao của màu sắc đã khiến cuộc sống của bà trở nên sống động, tươi vui hơn…
![]() |
MC - Á hậu Thụy Vân: Không ngừng học hỏi
Thụy Vân là gương mặt MC được nhiều người yêu mến trên một số chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Cô cũng từng tham gia dẫn nhiều chương trình âm nhạc, để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Nhan sắc ưa nhìn, vì cô MC sinh năm 1986 này từng là Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008.
Năm 1986 mang Thiên can Bính - Địa chi Dần. Vậy nên lời giải đáp cho 1986 là tuổi gì chính là tuổi Bính Dần. Nói rõ hơn, Bính thuộc hành Hỏa, Dần thuộc hành Mộc, Thiên can hợp Địa chi. Vì thế những người Bính Dần 1986 thường gặp nhiều vận may, thuận lợi trong cuộc sống.
Nói về phụ nữ sinh năm Dần, người đẹp Thụy Vân từng chia sẻ: Tôi nghĩ phụ nữ sinh năm Dần thường thông minh, tính tình có phần nóng nảy nhưng không sốc vội nên chín chắn trong việc chọn bạn đời.
Sau 15 năm gắn bó với nghề biên tập viên - MC truyền hình, Á hậu Thụy Vân vẫn không ngừng trau dồi, gắn bó mỗi ngày. Cô là gương mặt quen thuộc của chương trình "Chuyển động 24h" với lối dẫn nhẹ nhàng và khéo léo. Đến nay, Thụy Vân đã có 7 năm gắn bó với “Chuyển động 24h”.
Với Thụy Vân, mỗi một chương trình là một cơ hội để học tập và cho bản thân cơ hội để nỗ lực. Chính vì thế, người đẹp sinh năm 1986 luôn biết trân trọng từng giây phút đứng trên sóng truyền hình.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/van-nghe-si-tuoi-dan-124007.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.