![]() | An Giang triển khai dịch vụ đi chợ hộ trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát |
![]() | Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, ông Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định, năm 2021 trong điều kiện khó khăn, thử thách nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 2,15% là kết quả đáng khích lệ trong khó khăn chung.
![]() |
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, ông Nguyễn Tuấn Dũng phát biểu tại hội nghị |
Kết quả này thể hiện sự tập trung lãnh đạo của tỉnh ủy, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng sự nỗ lực, đồng thuận của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và toàn xã hội... đặc biệt có sự đóng góp rất lớn và kịp thời có hiệu quả của hệ thống ngân hàng trên địa bàn An Giang đã linh hoạt tháo gỡ khó khăn hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, người lao động trên địa bàn vượt qua khó khăn dịch bệnh thực hiện đạt “mục tiêu kép” góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2021, tổng số dư vốn huy động đạt 59.404 tỷ đồng, tăng 3,55% so với cuối năm 2020; trong đó huy động vốn trên 12 tháng là 18.713 tỷ đồng, chiếm 31,50%/tổng số dư vốn huy động.
Với sự nỗ lực trên tinh thần sẻ chia và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng An Giang, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2021 đạt 13,57% (tương đương 91.619 tỷ đồng) đạt kế hoạch đã đề ra. Cơ cấu dư nợ tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 52.930 tỷ đồng, tăng 15,43% với 113.330 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo là 10.015 tỷ đồng tăng 23,67% các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện cấp hạn mức tín dụng phục thu mua lúa gạo cho 126 doanh nghiệp và 4.037 cá nhân, hộ gia đình với tổng hạn mức là 12.660 tỷ đồng, tăng 611 tỷ đồng. Cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu là 11.382 tỷ đồng, tăng 21,76%.
Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp 112 tỷ đồng cho 499 khách hàng. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ 345 tỷ đồng, với 697 khách hàng. Tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống 10.231 tỷ đồng, chiếm 11,52%/tổng dư nợ, với gần 102 nghìn khách hàng còn dư nợ. Cho vay lĩnh vực bất động sản: 4.120 tỷ đồng, tăng 2,8%. Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 9.840 tỷ đồng, tăng 1,09%.
Tích cực chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, quản lý và nâng cao chất lượng tín dụng tốt, nên nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn An Giang chỉ chiếm 1,14%/tổng dư nợ (1.041 tỷ đồng)…
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang đã tiếp nhận 27 hồ sơ của 27 doanh nghiệp đề nghị vay vốn và đã giải ngân 23 hồ sơ, số tiền cho vay 10,73 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 3.552 lao động.
![]() |
Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của NHNN, tỉnh ủy và UBND tỉnh để triển khai kịp thời cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, thanh toán… cho các TCTD trên địa bàn tập trung hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều kênh chuyển vốn vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu theo các chương trình mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh. Qua đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm lây lan nhanh, phạm vi lây nhiễm rộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Ngay từ đầu năm ngành Ngân hàng An Giang đã chủ động thực hiện hệ thống các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kịp thời xây dựng, triển khai các giải pháp mới trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế của đại dịch, đến nay tổng số khách hàng được hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới) là 168.774 lượt khách hàng.
Trong đó, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 11.348 cá nhân, hộ gia đình và 134 doanh nghiệp, với dư nợ được cơ cấu là 3.178 tỷ đồng. Khách hàng được giảm lãi vay 85.125 khách hàng, tiền lãi được giảm là 144,38 tỷ đồng. Trong đó, số tiền giảm lãi theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 là 33,95 tỷ đồng với 7.524 cá nhân và 151 doanh nghiệp.
Về 16 chi nhánh NHTM trên địa bàn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo cam kết với NHNN và Hiệp hội Ngân hàng để triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ là 110,28 tỷ đồng với 76.656 cá nhân và 794 doanh nghiệp. Khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 71.820 cá nhân, 358 doanh nghiệp, số tiền cho vay là 25.598 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các TCTD còn chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, cắt giảm lương, thưởng để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng, như: giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1,6%/năm, giảm phí dịch vụ và chi phí tiền vay cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện cách ly/giãn cách xã hội, công tác thanh toán của hệ thống ngân hàng trên địa bàn An Giang trong năm 2021 đối với người dân, doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh thực hiện nhanh chóng, an toàn, chính xác, kịp thời, hiệu quả, nhất là thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng tốt về cơ sở vật chất, đa dạng hóa các phương tiện, dịch vụ, giảm phí thanh toán cho người dân, doanh nghiệp để khuyến khích, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Với quyết tâm chỉ đạo kịp thời và điều hành quyết liệt của NHNN chi nhánh tỉnh, cùng với sự nỗ lực của từng người dân, doanh nghiệp, sự đồng hành của chính quyền các cấp đã đạt được kết quả giải pháp tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất góp phần thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covdi-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, kinh tế An Giang đạt mức tăng trưởng GRDP cả năm 2,15%.
Công tác tiền tệ - kho quỹ được đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức và cá nhân, thực hiện tốt theo Thông tư số 01/2014/TT-NHNN ngày 6/1/2014 của NHNN quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quí, giấy tờ có giá. Trong năm, ngành Ngân hàng và Công an tiếp tục phối hợp tốt thực hiện công văn 9736/NHNN-TT ngày 21/12/2011 của NHNN về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ ATM cung cấp số điện thoại nóng của các đơn vị công an trong 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã giúp cho các TCTD cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố xảy ra. Định kỳ hàng tháng thường xuyên phối hợp thông tin về tình hình thu giữ tiền giả trên địa bàn để có biện pháp phòng chống có hiệu quả; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo tình hình thu giữ tiền giả về ngân hàng trung ương theo quy định.
Trong năm 2021, NHNN chi nhánh tỉnh đã thực hiện tốt công tác vận động và kêu gọi các TCTD trên địa bàn tỉnh cùng với sự đóng góp của cán bộ nhân viên đơn vị đến nay đã đóng góp quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và các thiết bị y tế tổng giá trị trên 70 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham luận, đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm khơi thông và chuyển tải hiệu quả dòng vốn tín dụng tập trung đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, như: phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị, phát triển nuôi cá tra xuất khẩu công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương…
Về nhiệm vụ chủ yếu năm 2022, hệ thống ngân hàng An Giang phấn đấu thực hiện: Nguồn vốn huy động tăng từ 8-10%; dư nợ cho vay tăng từ 13-14% có điều chỉnh theo tình hình thực tế; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%/tổng dư nợ. Triển khai kịp thời các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022 của NHNN. Tập trung ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng “đen”. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo quy định của NHNN, của Chính phủ gắn với phương án phục hồi kinh tế của Chính phủ, của UBND tỉnh. Thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ việc giảm lãi suất cho vay trên địa bàn từ 0,5-1% trong năm 2022.
![]() |
Cũng tại Hội nghị, Giám đốc NHNN chi nhánh đã trao kỷ niệm chương ngành Ngân hàng cho 24 cá nhân của hệ thống QTDND trên địa bàn được Thống đốc NHNN xét tặng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhnn-tinh-an-giang-to-chuc-hoi-nghi-trien-khai-nhiem-vu-ngan-hang-2022-123830.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.