Cao tốc Bắc Nam phía Đông: Mảnh ghép hạ tầng quan trọng
08:03 | 20/01/2022
Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là mảnh ghép hạ tầng quan trọng trên con đường Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao.
![]() | Chính phủ trình Quốc hội đầu tư thêm 729 km cao tốc Bắc - Nam phía đông |
![]() | Đón đầu xu hướng đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu |
![]() | Địa phương gỡ khó về vốn cho Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng |
Ý nghĩa quan trọng
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD (tức tăng hơn gấp đôi so với mức GDP bình quân đầu người 3.680 USD năm 2021). Để hiện thực hóa được mục tiêu này, một trong những đột phá chiến lược được xác định là phải có được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông là một ưu tiên trọng tâm.
Dưới góc nhìn đó, việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án) sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu được triển khai với chất lượng và tiến độ đúng như kỳ vọng (mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026), việc hoàn thành dự án sẽ giúp đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, vùng kinh tế trọng điểm. Như vậy, đây sẽ là mảnh ghép quan trọng giúp từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng |
Tại nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp bất thường mới đây, dự án có tổng độ dài khoảng 729 km (gồm 12 dự án thành phần vận hành độc lập), được đầu tư hoàn toàn theo hình thức đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng trên cơ sở cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn NSNN để phát triển kết cấu hạ tầng theo nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.
Chỉ khi đảm bảo chất lượng và tiến độ
Trước đó trong thảo luật về dự thảo nghị quyết, về cơ bản, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đưa ra đều nhất trí cao về sự cần thiết thực hiện dự án, đồng thời tin tưởng dự án sẽ hoàn thành theo mục tiêu đề ra khi được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị tiếp tục làm rõ về các nội dung như: Cơ cấu chi phí và suất đầu tư; lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần; tiến độ giải phóng mặt bằng; tính toán kỹ để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, cơ chế chỉ định thầu; xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào NSNN... để vừa bảo đảm tiến độ và chất lượng như mục tiêu đề ra, vừa phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư và tác động lan tỏa của dự án.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự án là một trục hết sức quan trọng nên rất đồng tình là phải ưu tiên đầu tư sớm nhất. Tuy nhiên, về một số điểm cần phải cân nhắc, tính toán thêm, đại biểu này lưu ý tới con số tổng mức đầu tư. “Dự kiến tổng đầu tư là 147.000 tỷ đồng, suất đầu tư như vậy là 201 tỷ đồng/km tính cả giải phóng mặt bằng (không tính giải phóng mặt bằng là 175 tỷ đồng). Trong khi đó, cùng là các tuyến cao tốc đã hoàn thành như: là Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ có 107,5 tỷ đồng; Cam Lâm - Vĩnh Hảo 122,6 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây 125,7 tỷ đồng... Mới đây, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, dự kiến nếu như tính toán lại chỉ khoảng 130.000 tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng chúng ta thấy suất đầu tư và tổng mức đầu tư ở đây rất cần phải cân nhắc lại”, đại biểu Cường phân tích.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung mà các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia đóng góp ý kiến nhiều nhất liên quan đến vấn đề chỉ định thầu (đây là một trong cơ chế đặc thù mà nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng). Các đại biểu cho rằng việc chỉ định thầu là cần thiết để thúc đẩy việc triển khai nhanh nhưng phải thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình chỉ định thầu. Đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng phương án cụ thể để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, uy tín để tham gia chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật. “Lựa chọn công nghệ thi công phải tiên tiến, phù hợp với kỹ thuật, với kết cấu của địa chất, sự tác động của biến đổi khí hậu từng khu vực, từng vùng để đảm bảo chất lượng của công trình”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, chỉ định thầu ở đây chỉ nên cho phép ở một số cấu phần chứ không phải là tất cả. Ví dụ, liên quan đến giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế… thì có thể chỉ định thầu để nhanh hơn. Còn liên quan đến khâu xây lắp, do chúng ta đang có rất nhiều doanh nghiệp có năng lực tốt nên cần cho đấu thầu để lựa chọn. “Chỉ định thầu cũng được nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng và phải công khai minh bạch”, TS. Lực nhấn mạnh.
Về vấn đề này, tại nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã xác định: “Chính phủ và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc chương trình. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu”.
Bên cạnh đó, nghị quyết cho phép các nhà thầu thi công sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình. Tuy nhiên, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
Đỗ Phạm