TP.HCM quản lý ngập bằng ứng dụng thông minh

Đây là nghiên cứu với mục tiêu xây dựng hệ thống cảnh báo ngập thông qua hệ thống camera, kết nối xây dựng thành phố thông minh cho TP.HCM.

Tiến sĩ Phạm Thanh Long, chủ nhiệm đề tài "Xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho đô thị thông minh tại TP. HCM" cho biết, nghiên cứu sẽ giải quyết hai mục tiêu cụ thể, đó là dự báo, cảnh báo ngập trên các tuyến đường thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi ngập trên địa bàn TP.HCM và thí điểm ở vùng Đông của TP.HCM, nay là TP.Thủ Đức; Xây dựng công cụ trực quan (hình ảnh camera, bản đồ 2D/3D, các phần mềm trên điện thoại, WebGIS) quản lý và cảnh báo ngập nhằm kết nối chung cho mô hình đô thị thông minh mà TP.HCM đang xây dựng.

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện các mô hình dự báo, cảnh báo mưa và ngập theo mô hình toán về thuỷ văn, thuỷ lực kết hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning) trên cơ sở dữ liệu thống kê trích xuất từ nhiều đơn vị khí tượng thủy văn, nhóm chuyên gia tại Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cũng đưa vào vận hành thành công hệ thống cảnh báo ngập bằng camera giám sát cùng trọn bộ phần mềm quản lý ngập, thông tin ngập bằng WebGIS và ứng dụng trên thiết bị di động.

tphcm quan ly ngap bang ung dung thong minh
TP.HCM đang xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo và quản lý ngập cho đô thị thông minh

Từ hình ảnh, hệ thống sẽ "số hóa" ảnh chụp, sau đó sử dụng các thuật toán so sánh "hình ảnh gốc" với các "mốc marker" tại hiện trường để xác định mức ngập tương ứng. Hay nói cách khác, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện công cụ trích xuất bản đồ ngập từ camera được xây dựng qua các bước tiến xử lý ảnh và phân tích mức ngập được lưu trữ trong server.

Đại diện nhóm cho biết, các điểm ngập phát sinh, hay sự cố hệ thống thoát nước dẫn đến ngập lụt sẽ gây hậu quả lâu dài nếu không được phát hiện và khắc phục sớm sẽ khiến điểm ngập trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân cũng như công tác chống ngập. Mô hình sẽ hoạt động qua việc quản lý hệ thống camera kịp thời thông báo các vị trí con đường ngập, phối hợp với các đơn vị khác, cũng như người dân để kịp thời nhận thông tin thông qua cổng kết nối hai chiều và sau đó đưa các thông tin về điểm ngập phát sinh lên báo cáo, trang thông tin website để các cơ quan quản lý kịp thời khắc phục. Mục tiêu chính của nền tảng là tạo ra một công cụ thu thập dữ liệu số, đảm bảo dữ liệu được lưu trữ một cách có hệ thống, từ đó dữ liệu có thể được dễ dàng tổng hợp, trích xuất phục vụ cho công tác báo cáo, cũng như phân tích, quản lý tình hình ngập. Bên cạnh đó, nền tảng cũng là một kênh thu thập và chia sẻ thông tin ngập của TP.HCM (sau khi đã được kiểm chứng) với người dân trên địa bàn thành phố".

“Kết quả nghiên cứu này là nền tảng để thu thập dữ liệu số, bảo đảm dữ liệu được lưu trữ một cách có hệ thống, từ đó dễ dàng tổng hợp, trích xuất phục vụ cho công tác báo cáo, phân tích, quản lý tình hình ngập. Nền tảng này cũng là cơ sở giúp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra chiến lược, chính sách để xử lý vấn đề ngập của thành phố hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Tiến sĩ Phạm Thanh Long khẳng định.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tphcm-quan-ly-ngap-bang-ung-dung-thong-minh-123282.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.