Chính sách “zero fee”: Hướng tới lợi ích lâu dài
09:49 | 07/01/2022
Miễn phí giao dịch là kết quả tất yếu của xu hướng chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng, hướng tới thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
![]() | Ngân hàng miễn phí: Tin vui đầu năm |
Từ ngày 01/01/2022, Vietcombank, BIDV, VietinBank đồng loạt triển khai miễn phí dịch vụ giao dịch trên các kênh số. Trước đó trong tháng 5/2021, Agribank cũng đã thực hiện miễn phí chuyển tiền trực tuyến và một số loại phí khác cho tất cả khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số. Như vậy, cuộc đua phí “0 đồng” đã chính thức có sự tham gia của nhóm Big4.
Giới chuyên gia nhìn nhận, chính sách phí “0 đồng” không phải là mới mà đã được nhiều ngân hàng thực hiện từ lâu. Song, sự nhập cuộc của các ông lớn sẽ có những tác động đáng kể khiến cho nhiều NHTM khác trong hệ thống phải thay đổi về chính sách phí dịch vụ của mình. Thực tế là ngay sau động thái của BIDV, VietinBank, Vietcombank, Viet Capital Bank cũng ra thông báo miễn toàn bộ 12 loại phí cho tất cả khách hàng cá nhân giao dịch qua Internet banking và Mobile banking của ngân hàng này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Để miễn phí giao dịch cho khách hàng, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận hụt thu từ dịch vụ, song họ kỳ vọng việc này sẽ đem lại những lợi ích khác cả về định tính và định lượng trong tương lai. Một trong những đích đến của chiến lược “zero fee” của các ngân hàng là thu hút khách hàng sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác, đẩy mạnh nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với lãi suất thấp (chỉ từ 0,1- 0,3%/năm).
Theo phân tích của các chuyên gia từ CTCK ACB (ACBS), trong bối cảnh các NHTM đã, đang thực hiện chủ trương giảm thêm lãi suất cho vay từ phía cơ quan quản lý, thì việc tăng tỷ lệ vốn CASA sẽ phần nào giảm áp lực cho ngân hàng trong việc giảm chi phí vốn đầu vào.
Trên thực tế nhiều ngân hàng coi mục tiêu CASA là một trong những chiến lược quan trọng của kế hoạch phát triển kinh doanh. Đơn cử MSB cho biết, từ nay cho tới năm 2023, ngân hàng cố gắng để CASA cán mốc 40.000 tỷ đồng; Techcombank cũng đặt mục tiêu năm 2025 đưa tỷ lệ CASA lên khoảng 55%...
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2022 do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cho thấy, trái với xu hướng suy giảm trong quý III/2021, nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ thanh toán và tín dụng đã tăng lên rõ rệt trong quý IV/2021. Chưa kể, miễn phí dịch vụ sẽ chuyển dịch giao dịch của khách hàng lên các kênh số nhiều hơn, từ đó giúp cho ngân hàng tiết kiệm rất nhiều chi phí hoạt động, trong đó có các chi phí liên quan tới dự trữ tiền mặt, đầu tư ATM.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, cũng cần lưu ý là khi thực hiện chính sách miễn phí đại trà, ngân hàng sẽ càng phải nỗ lực hơn trong phát triển thêm những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, tiện ích… để có thể giữ chân khách hàng lâu hơn.
Có thể nói, miễn phí giao dịch là kết quả tất yếu của xu hướng chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng, hướng tới thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Nhưng muốn hạn chế sử dụng tiền mặt thì các ngân hàng không cách gì khác phải thu hút khách hàng giao dịch nhiều hơn trên các nền tảng số. Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rất rõ là phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Tới năm 2030, mục tiêu này tăng tương ứng 70% và 80%...
Lợi ích và cơ hội của chuyển đổi số mang lại giúp cho các NHTM tạo ra các mô hình kinh doanh mới, những giá trị mới chưa từng có. Chia sẻ từ thực tế triển khai, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, việc đầu tư cho công nghệ và số hoá đã đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngân hàng, khi số lượng khách hàng cá nhân sử dụng ứng dụng Digibank của Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2021, số lượng khách hàng trên các kênh số tăng 44%, số lượng giao dịch tăng gần 57% và giá trị giao dịch tăng khoảng 64%. Mỗi ngày, các kênh số của ngân hàng xử lý thông suốt gần 1,4 triệu giao dịch với giá trị hơn 11.000 tỷ đồng; tỷ lệ giao dịch của khách hàng cá nhân trên các kênh số chiếm 97% tổng số lượng giao dịch.
Khuê Nguyễn