Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến ngày 4/1 trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ còn 8/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động.

Trong đó, cửa khẩu quốc tế đang hoạt động là 4/7 cửa khẩu (Hữu Nghị, Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng, Ga quốc tế đường sắt Lào Cai và Kim Thành II); cửa khẩu chính đang hoạt động là 4/6 cửa khẩu (Chi Ma, Tà Lùng, Sóc Giang và Hoành Mô); cửa khẩu phụ đang hoạt động là 0/21; lối mở/điểm thông quan đang hoạt động là 0/42. Các cửa khẩu, lối mở/điếm thông quan đang tạm dừng hoạt động là do phía Trung Quốc tạm dừng để kiểm soát dịch bệnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, tổng số phương tiện đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến ngày 3/1/2022 là 4.250 xe. Lạng Sơn ùn tắc nhiều nhất. Tổng lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 3/1 là 2.558 xe, giảm 1.771 xe so với sáng ngày 24/12/2021.

doanh nghiep chung tay ho tro tieu thu nong san
Vẫn còn rất nhiều xe nông sản xuất khẩu đang ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc

Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa là do phía Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu thông thường rất lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).

Với những cửa khẩu còn mở cửa (như Hữu Nghị, Chi Ma, Hoành Mô), quy trình giao nhận hàng hóa được kiểm soát rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng.

Giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương khuyến nghị các bộ, ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương kêu gọi, khuyến cáo thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cửa khẩu đang có hiện tượng ùn tắc, bao gồm cả những trường hợp mà khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng.

"Nếu xe vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu điều tiết sớm lượng xe này vào chờ tại các địa phương phía sau. Bởi từ nay tới Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý các xe đang tồn tại cửa khẩu, nhất là khi lao động phía Trung Quốc có thể nghỉ tới 21 ngày trước Tết để kịp hoàn thành thời gian cách ly", Bộ Công Thương lưu ý.

Trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng và vẫn đề nghị đưa hàng lên biên giới, Bộ Công Thương khuyến cáo thương nhân trao đổi với khách hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (như Cao Bằng) nhằm giảm ùn tắc tại Lạng Sơn, Quảng Ninh; hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (như đường sắt, đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm rất tốt).

Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần đang đến gần. “Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trong container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết”, bà Thu thông tin thêm.

Trước tình trạng này, đại diện Central Retail cho rằng, trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn, và Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.

Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cũng cho biết, hiện nay công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới. Cụ thể, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài.

“Hiện nay chúng tôi vẫn chế biến xoài với số lượng lớn. Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh leo hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ”, đại diện công ty này cho biết.

Cùng với đó, bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group cho biết, công ty có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến ở khắp cả nước, với công suất thiết kế 100.000 tấn, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm.

Các sản phẩm chính của Nafoods là chanh leo, dứa, xoài, mãng cầu, hạt điều… Thời gian từ giờ đến tết, Nafoods có thể hỗ trợ thu mua, chế biến chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn.

Là doanh nghiệp bán lẻ quy mô, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart.

“Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu cũng tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ. Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Nguyễn Thái Dũng nhận định thêm.

Hiện, do thói quen kinh doanh, đa số nông sản phía Nam thường chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi tiêu thụ hàng hóa song hành thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng ta sẽ phát triển ổn định và bền vững.

“Tôi rất vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp lên tiếng sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới. Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích”,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ.

Các giải pháp quan trọng nhất được Bộ Công Thương đề cập là giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng; Hai là nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước; Ba là phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến,... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu; Bốn là đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-chung-tay-ho-tro-tieu-thu-nong-san-123203.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.