Nguy cơ cháy nổ ở nhà cao tầng

Cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC.

Theo thống kê của Bộ Công an, đến tháng 12/2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng và siêu cao tầng tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có 1.106 nhà chung cư, chiếm 30,75%; 747 nhà văn phòng chiếm 20,6%... Thời gian qua, mặc dù ý thức chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các nhà cao tầng được nâng cao đáng kể, song vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, nhiều chung cư cao tầng có lắp đặt hệ thống PCCC, nhưng công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng còn mang tính hình thức. Vì vậy, tại nhiều công trình dù được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được. Bên cạnh đó, kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống ứng phó với sự cố cháy nổ của người dân còn rất hạn chế, hầu hết thường hoảng loạn, mất bình tĩnh dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết các chung cư hiện nay không bảo đảm an toàn PCCC. Trong đó, lỗi thường gặp là không bảo đảm yêu cầu về lối thoát nạn.

nguy co chay no o nha cao tang
Ảnh minh họa

Một số chuyên gia về xây dựng cho rằng, do có kết cấu gồm khối đế và khối cao tầng với nhiều loại công năng kết hợp như văn phòng, trung tâm thương mại, nhà trẻ, lớp học, dịch vụ ăn uống, giải trí, ga-ra... nên các nhà cao tầng càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản khi có hỏa hoạn. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận và tăng diện tích sàn bán; thiết kế mật độ dày đặc căn hộ trên một tầng nhà, dẫn đến nguy hiểm khi có sự cố và mất cân đối khi sử dụng tiện nghi của tòa nhà. Cùng với đó là việc hàng loạt chung cư hiện nay đã qua sử dụng nhiều năm, hệ thống thiết bị PCCC được trang bị đã xuống cấp, không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời hoặc chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ, nên không quản lý, không có kinh phí cho hoạt động PCCC. Thực tế này khiến các phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, người dân không được phổ biến, hướng dẫn ứng phó thoát nạn thường xuyên khi có sự cố xảy ra…

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021). Quy chuẩn này quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng (gọi chung là nhà) và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng; đồng thời, quy định phân loại kỹ thuật về cháy cho các nhà, phần và bộ phận của nhà, cho các gian phòng, cấu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng.

Về những giải pháp đảm bảo PCCC cho công trình cao tầng, Đại tá Bùi Quang Việt - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng; thống nhất việc thẩm định phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công trình cao tầng để phát hiện những công trình được phê duyệt xây dựng sai giấy phép, không đảm bảo về công tác PCCC, tránh tình trạng đã phê duyệt quy hoạch nhưng không đảm bảo an toàn PCCC; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC.

TS. Hoàng Anh Giang - Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng - IBST) cho biết, cần bảo đảm an toàn thoát nạn cho người, hạn chế quy mô của đám cháy, thuận lợi cho việc tiếp cận và các điều kiện kỹ thuật để triển khai hoạt động chuyên môn của lực lượng chữa cháy. Trong vấn đề này, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng như khói, khí độc, nhiệt độ cao… Còn theo bà Vũ Kiều Hạnh - đại diện Savills Hà Nội, nâng cao tuyên truyền, tập huấn cho người dân là giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn PCCC tại các công trình cao tầng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguy-co-chay-no-o-nha-cao-tang-122895.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.