![]() | Thúc đẩy thực phẩm Halal Việt Nam ra thế giới |
![]() | Hàng Việt bỏ quên thị trường Halal |
![]() | Phát triển công nghiệp Halal tại ASEAN |
Khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới). Các nước Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới, khoảng 470 tỷ USD năm 2018, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á - Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quy mô thị trường thực phẩm Halal thế giới dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1%, dự kiến đạt 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
![]() |
Hiện hầu hết sản phẩm sữa và thực phẩm từ sữa của Tập đoàn TH đều đã có chứng chỉ Halal |
Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới. Có nhiều người không theo đạo hồi có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal do các sản phẩm này đáp ứng tốt các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Không dừng lại ở thực phẩm thuần túy, sản phẩm Halal dự kiến sẽ mở rộng cả dược, mỹ phẩm; và có ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch, tài chính, tiếp thị…
Việt Nam được xem là có nhiều lợi thế trong tham gia vào chuỗi cung ứng và sản xuất thực phẩm Halal ở khu vực do nằm trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương, nơi tập trung nhiều quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới. Trong đó thị trường nguồn lớn nhất là các nước Đông Nam Á, tiếp đó là Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Khu vực Đông Nam Á, nơi có khoảng 263 triệu tín đồ Hồi giáo (chiếm 14,6% tổng số tín đồ Hồi giáo thế giới), là thị trường gần và quan trọng của Việt Nam, có nhiều tiềm năng nhất để phát triển các sản phẩm Halal vừa phục vụ tiêu dùng lẫn du lịch. Tiếp đến là khu vực Nam Á, mà Ấn Độ là thị trường lớn và có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ khá lớn với khoảng 195 triệu tín đồ (chiếm 11% tổng số tín đồ Hồi giáo trên thế giới). Khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi có các cộng đồng hồi giáo nhỏ, Úc và New Zealand là hai thị trường nguồn khá lớn, tương đối ổn định chờ các doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực (EVFTA, CPTPP, RCEP). Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm, trong đó có các sản phẩm Halal.
Tuy nhiên, thực tế việc xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal khu vực chưa tương xứng với tiềm năng. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal. Hiện, Việt Nam cũng chỉ mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với tiềm năng. Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá nhỏ, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD so với mức 34 tỷ USD tổng nhu cầu (theo Tổ chức các nước Hồi giáo). Ngoài các khó khăn về chứng nhận Halal, nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về sản phẩm này, thiếu thông tin về thị trường, văn hoá, quy định thương mại, tập quán kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các nước Hồi giáo.
Ngành sản xuất thực phẩm Halal yêu cầu nghiêm ngặt từ quá trình sản xuất, đến nguyên liệu, phân bón, chế biến, cung cấp dịch vụ hậu cần (bảo quản, đóng gói, chuyên chở...). Thêm nữa, tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, sự đa dạng và phức tạp trong quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal của mỗi nước cũng khác nhau. Hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống Halal và nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chia sẻ, năng lực sản xuất nông - lâm - thủy sản hàng năm của Việt Nam đạt 140 triệu tấn. Trong đó, gần 50% mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, chè, cà phê, điều, tiêu... được đánh giá là rất phù hợp với thị trường Halal. Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường Halal cần đến sự tôn trọng, thấu hiểu những giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, cần đến sự cam kết và niềm tin vững chắc. Chỉ có cách tiếp cận cầu thị, nghiêm túc như vậy mới mở ra giá trị mới, định hướng mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Để có thể tiếp cận và khai thác thị trường khổng lồ này, Việt Nam cần tập trung đối thoại về chính sách, hướng dẫn quá trình sản xuất, chế biến, thị trường và chứng nhận Halal cho hàng nông-lâm-thủy sản… Song song với đó, thúc đẩy xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận Halal chung của Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương cho hàng nông - lâm - thủy sản và hoạt động chứng nhận Halal cũng như hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau cho thị trường Hồi giáo trên thế giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ thêm.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khoi-thong-thi-truong-thuc-pham-halal-can-ke-hoach-hanh-dong-cu-the-122809.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.