Sắm Tết sớm để tránh dịch
Thường thì tháng 12 âm lịch hàng năm là những ngày thị trường quà Tết sôi động nhất, tuy nhiên năm nay thị trường đã khởi sắc sớm hơn dự báo. Theo dự đoán về xu hướng tiêu dùng thương mại điện tử dịp cuối năm (từ tháng 10/2021 tới tháng 1/2022) của Lazada, việc mua sắm cho Tết truyền thống có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 và tập trung vào các nhóm hàng cá nhân như quần áo, mỹ phẩm, sản phẩm cho bé... Còn các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hay hoa trái sẽ được mua vào thời gian cận Tết hơn.
Cùng chung nhận định này, báo cáo của Kantar WorldPanel đánh giá, chi tiêu nhóm hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là các sản phẩm sử dụng tại nhà sẽ tăng trưởng tốt trong dịp Tết 2022 với mức chi tiêu gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Trong đó, khu vực thành thị có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn với mức tăng trưởng 3% và khu vực nông thôn tăng 6% so với Tết 2021.
![]() |
Thị trường quà Tết hiện đã bắt đầu sôi động |
Chia sẻ với phóng viên, chị Phương Thảo (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, nếu như tình hình dịch bệnh thêm phức tạp vào thời điểm giáp Tết thì sẽ gặp khó khăn khi đi mua sắm, nguồn hàng cũng sẽ giảm. Mua sắm Tết sớm giá vừa rẻ, vừa thảnh thơi và an toàn hơn nhiều.
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán sớm của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quà Tết, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ… đã đồng loạt chào thị trường nhiều giỏ hàng Tết đa dạng từ mẫu mã đến giá cả từ rất sớm. Anh Huy Thắng, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, hàng Tết lên kệ sớm, bán được càng sớm càng đỡ lo dịch. Năm nay kinh tế khó khăn nên cửa hàng cũng tăng lượng quà có giá thấp (từ 300.000-500.000 đồng) nhưng vẫn được đầu tư vào mẫu mã, hình thức. Các giỏ hàng nhập khẩu, cửa hàng lựa chọn từ các nước khu vực ASEAN có uy tín, lại rẻ hơn tới 30% so với các loại nhập khẩu từ châu Âu để khách hàng không lo về giá.
Bên cạnh những mẫu giỏ quà đắt tiền, những chai rượu ngoại và hoa quả nhập khẩu, trong năm 2022, các mẫu quà Tết là đặc sản 3 miền, các sản phẩm thủ công từ các làng nghề đang được người dân lựa chọn nhiều hơn. Cô Út Chức, chủ cơ sở sản xuất mứt truyền thống (TP. Cần Thơ) cho biết, những sản phẩm nông sản truyền thống đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh giỏ quà chọn mua, thay cho rượu ngoại hoặc các sản phẩm cao cấp như những năm trước. Dù sức mua chưa nhiều nhưng đơn vị đã chủ động dự trữ lượng lớn đủ phục vụ mùa Tết với giá bán ổn định như mứt dừa 200.000 đồng/kg, dừa khô 150.000 đồng/kg, các loại khô khác từ 60.000 - 180.000 đồng/kg...
Tích cực phòng ngừa hàng giả, hàng nhái
Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm từ các sản phẩm bánh kẹo, rượu... dịp Tết cũng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Theo khảo sát tại các chợ đầu mối bánh kẹo trên địa bàn TP. Hà Nội, các sản phẩm bánh kẹo, rượu, mứt không có nhãn mác, không rõ xuất xứ, giá siêu rẻ đang tràn lan. Một tiểu thương tại chợ Trương Định cho biết, các mặt hàng bánh kẹo giá rẻ luôn tiêu thụ rất tốt mỗi dịp cận Tết. Người mua bánh kẹo ở đây chủ yếu để đóng gói lại vào các giỏ quà.
Bên cạnh đó, các mặt hàng bánh kẹo có chất lượng và thương hiệu rất dễ bị các cơ sở sản xuất làm giả, làm nhái với công nghệ làm giả rất tinh vi. Hơn thế nữa, việc hiện có quá nhiều thương hiệu bánh kẹo, rượu, mứt... trên thị trường cũng là một yếu tố gây nhiễu loạn, khiến người tiêu dùng khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm chất lượng.
Tính đến hết tháng 10/2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 11.961 vụ vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.070,99 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 170,277 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 25 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 102 vụ.
Trước dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, mới đây, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Trong đó, tập trung vào các nhóm mặt hàng hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...; hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, điện thoại di động, hàng may mặc...
Cũng trong thời gian này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của Bộ cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, kịp thời phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 cũng như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả...
Để chống hàng giả, hàng nhái trên thị trường quà Tết, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng nên cẩn thận, chỉ chọn mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cùng với đó, người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm để cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chong-hang-gia-hang-nhai-tren-thi-truong-qua-tet-122740.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.