Xanh hóa vốn đầu tư để phát triển bền vững

Mặc dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng số ngân hàng nhận được nguồn vốn tài trợ từ tổ chức quốc tế để đầu tư tín dụng xanh chưa nhiều...

Vừa qua, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Giới chuyên gia nhìn nhận, cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 không chỉ thể hiện nỗ lực chung của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu, mà hơn hết còn tạo ra cơ hội nhận được nhiều hơn dòng vốn đầu tư từ phía các tổ chức quốc tế, trong đó có tín dụng xanh.

Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng Việt Nam rất tích cực thúc đẩy nhanh dòng vốn tín dụng xanh. Ngoài các ngân hàng có truyền thống lâu năm trong tăng trưởng tín dụng xanh như Agribank, Vietcombank… thị trường cũng đã có thêm nhiều cái tên tham gia sâu rộng hơn đối với lĩnh vực này như Bac A Bank, HDBank, Nam A Bank, OCB, SHB…

xanh hoa von dau tu de phat trien ben vung
Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam tăng từ 1,55% (2015) lên 3,69% (2020)

Đơn cử trường hợp HDBank, nếu như năm 2018 ngân hàng này tài trợ cho 22 dự án tiết kiệm năng lượng, đầu tư năng lượng tái tạo với dư nợ hơn 1.800 tỷ đồng, thì đến hết tháng 9/2019 con số này đã tăng lên 82 dự án tín dụng xanh với dư nợ gần 7.900 tỷ đồng. Đặc biệt, trong vòng chưa đầy ba tháng gần đây, ngân hàng này cũng đã ký thoả thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài gồm DEG (Đức), Proparco (Pháp), Quỹ đầu tư quốc tế Affinity và mang về hơn 700 triệu USD để chuẩn bị cho đầu tư tín dụng xanh, nhất là tập trung vào năng lượng tái tạo.

Hay Nam A Bank là NHTMCP đầu tiên ký kết hợp tác với GCPF - Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu triển khai chương trình “Tín dụng xanh”, cho vay vốn thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm. OCB cũng đã được ADB và IFC tăng thêm hạn mức vay và hạn mức tài trợ thương mại vào giữa năm 2021 phục vụ cho các chương trình tín dụng xanh của ngân hàng này…

Đầu tháng 12 vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ qua Ngân hàng Thế giới (WB), WB và SHB đã ký hợp đồng bảo lãnh GCF với tổng giá trị 75 triệu USD. Là một trong các NHTMCP tư nhân với dư nợ cho vay các dự án xanh khá lớn trong toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2020, bà Ngô Thu Hà - Phó Tổng giám đốc SHB chia sẻ, để tạo cơ hội cho tăng trưởng tín dụng xanh, bản thân mỗi ngân hàng cần tích cực, chủ động tiếp cận các nguồn vốn xanh của các định chế tài chính quốc tế như WB, ADB, KfW, JICA, xem xét phát hành trái phiếu xanh… nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đặc biệt là các dự án năng lượng xanh.

Mặc dù đã có những cải thiện nhất định, nhưng số ngân hàng nhận được nguồn vốn tài trợ từ tổ chức quốc tế để đầu tư tín dụng xanh chưa nhiều. TS. Đặng Thị Minh Nguyệt - trường Đại học Thương mại nhìn nhận, để nhận được nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế với những ưu đãi về lãi suất thì phải đáp ứng một số tiêu chí lựa chọn theo các quy định cụ thể của từng chương trình. Chuyên gia này cho rằng, muốn tận dụng được nhiều cơ hội hơn, các TCTD, cần tập trung xây dựng khung chiến lược về ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Tuỳ thuộc vào định hướng kinh doanh, phân khúc thị trường, sản phẩm và khách hàng mục tiêu, năng lực cũng như thế mạnh của mình mà từng NHTM xây dựng khung chiến lược và lộ trình hướng tới phát triển ngân hàng xanh theo cấp độ phù hợp. Đồng thời thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội một cách toàn diện, thực hiện theo hướng dẫn của NHNN về đánh giá rủi ro môi trường và xã hội. Trong đó, phải kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho hay, mục tiêu đặt ra của NHNN đến năm 2025 là phấn đấu ít nhất 10 - 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường, xã hội và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh, triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. “Như vậy, việc sớm nghiên cứu để thành lập đơn vị chịu trách nhiệm triển khai quản lý rủi ro môi trường xã hội và quản lý, giám sát việc triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại ngân hàng là vô cùng quan trọng”, chuyên gia này khuyến nghị và lưu ý: Về tổng thể, cần đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD. Trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, cũng như danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, tạo cơ sở cho các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Liên quan đến vấn đề này, trong chia sẻ mới đây với báo chí, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cũng đưa ra ý kiến, cơ quan quản lý có thể cân nhắc không áp dụng hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với số dư xanh; hoặc có thể áp dụng trần tăng trưởng tín dụng cao hơn với những ngành thuộc nhóm xanh hoặc hỗ trợ tài chính cho tín dụng xanh và ngược lại.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xanh-hoa-von-dau-tu-de-phat-trien-ben-vung-122730.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.