Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng
17:49 | 15/12/2021
Ngày 15/12/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, thời gian qua, ngân hàng là một trong những lĩnh vực triển khai hoạt động điện tử và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng điện tử sớm nhất thông qua các quy định về nghiệp vụ thẻ, ATM, dịch vụ Internetbanking và Mobilebanking... Hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng điện tử được quy định tương đối đầy đủ và tổng thể, với nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành ngân hàng quy định trực tiếp về họat động ngân hàng điện tử: Luật các TCTD, Nghị định 35/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và các Thông tư của NHNN quy định về phạm vi hoạt động ngân hàng điện tử, quản lý rủi ro hoạt động ngân hàng điện tử, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin, quy định bề bảo mật an toàn đối với hoạt động ngân hàng trên internet, các quy định về định danh, xác thực khách hàng và các quy định cụ thể đối với từng hoạt động dịch vụ được cung cấp trên phương tiện điện tử (mở tài khoản, thanh toán, Thẻ, ATM, mua bán ngoại tệ, phát hành GTCG, cấp tín dụng)…
Cùng với các quy định pháp luật chuyên ngành, hệ thống pháp luật chung cũng đã có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh giao dịch thông qua phương tiện điện tử như Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật An ninh mạng 2018, Luật Công nghệ thông tin 2006, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và rất nhiều các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các Luật này.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi quy định pháp luật về ngân hàng điện tử, nhiều TCTD phát sinh nhiều vướng mắc cần được báo cáo NHNN để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho sự thích ứng linh hoạt và phát triển của ngành Ngân hàng trong cuộc cách mạng 4.0.
Báo cáo cụ thể về những vướng mắc, ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng cho biết, việc định danh khách hàng bằng phương thức điện tử chỉ áp dụng để định danh khách hàng trong hoạt động phòng chống rửa tiền và mở tài khoản thanh toán, chưa được áp dụng chung cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD.
Các Thông tư của NHNN quy định các hoạt động nghiệp vụ khác chưa quy định về việc định danh khách hàng. Đặc biệt, Thông tư 01/2021/TT-NHNN về phát hành giấy tờ của TCTD vẫn còn quy định phải phát hành “trực tiếp” tại địa điểm mạng lưới của TCTD.
NHNN chưa có quy định và cơ chế triển khai đối với việc ngân hàng có thể định danh khách hàng dựa trên việc khai thác thông tin đã được định danh tại bên thứ 3 có các tiêu chuẩn tương đương như các ngân hàng đại lý, tổ chức tín dụng, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính (chứng khoán, bảo hiểm) hoặc việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, dịch vụ công, công ty viễn thông, điện, nước, các nguồn dữ liệu của các tổ chức khác ở Việt Nam, nước ngoài… Do vậy, ông Long đề xuất NHNN nghiên cứu, xây dựng Thông tư về việc định danh khách hàng khi ngân hàng thiết lập quan hệ và cung cấp tất cả các dịch vụ tới khách hàng, trong đó phạm vi bao gồm: KYC và eKYC khách hàng cá nhân, tổ chức. Đồng thời hướng dẫn định danh khách hàng tham chiếu theo các thông tin khách hàng đã định danh tại bên thứ 3 với các tiêu chuẩn định danh khách hàng tương đương như TCTD.
Về áp dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử là chứng từ kế toán trong hoạt động ngân hàng, theo Quyết định 1789/2005/QĐ-NHNN về chế độ chứng từ kế toán ngân hàng thì trên chứng từ kế toán là chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử của người đại diện hợp pháp và kế toán trưởng hoặc người được uỷ quyền ký thay. Hiện nay nhu cầu ký chứng từ kế toán bằng phương tiện điện tử là rất lớn. Ngành thuế hiện đã cho phép các doanh nghiệp có thể dùng 1 chữ ký số cho việc kê khai và hạch toán chuyển khoản nộp thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp thường chỉ có 1 chữ ký số của doanh nghiệp, do đó, việc yêu cầu phải có chữ ký điện tử của người đại diện hợp pháp, kế toán trưởng hoặc người được ủy quyền ký thay trên chứng từ kế toán ngân hàng như ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, Lệnh chuyển tiền… gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong giao dịch điện tử với ngân hàng, đại diện CLB Pháp chế đề nghị NHNN cho phép khách hàng chỉ cần ký 1 chữ ký số của doanh nghiệp trên các chứng từ kế toán trong hoạt động ngân hàng để thực hiện các giao dịch.
Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các quy định của NHNN hiện hành chưa có quy định về việc TCTD được thẩm định và phê duyệt tín dụng tự động trên cơ sở ứng dụng kết quả chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng, các tiêu chuẩn thẩm định và phê duyệt được xây dựng và cài đặt để hệ thống có khả năng tự động kiểm tra phê duyệt mà không cần có sự tham gia của cá nhân người thẩm định, người phê duyệt.
Đồng thời tại Điểm d khoản 1 Điều 29 Thông tư này còn quy định TCTD phải lưu trữ hồ sơ tín dụng có: “Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền”. Trong khi đó, hiện nay, nhu cầu cung cấp dịch vụ tín dụng trên kênh số đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có mục đích tiêu dùng là rất lớn, giúp khách hàng tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, giúp đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng và TCTD do các vướng mắc về chữ ký điện tử; việc thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu chuẩn này.
Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 39, Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về cấp tín dụng bằng phương thức điện tử. Trong đó, cho phép TCTD được sử dụng hệ thống công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn để hệ thống thẩm định, phê duyệt, giám sát sau đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có giá trị nhỏ…
Hà Thành