Doanh nghiệp “e dè” với đơn hàng dài hạn
09:48 | 10/12/2021
Do chi phí sản xuất, giá nguyên liệu, chi phí logistics biến động, tăng liên tục trong khi vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp đang rất thận trọng khi nhận đơn hàng, đàm phán ký kết hợp đồng dài hạn để tránh rủi ro thua lỗ.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 11 tháng năm 2021 của Bộ Công thương, sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ... Nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Thận trọng ký kết đơn hàng
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công thương, tuy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi. Hiện các doanh nghiệp sản xuất ở trong khu, cụm công nghiệp trở lại hoạt động chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp; tương ứng với đó thì tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc ở khu, cụm công nghiệp cũng cao hơn.
Bộ Công thương dẫn chứng như ở Đồng Nai, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong khu công nghiệp đạt 99% và người lao động trở lại làm việc đạt 88%, trong khi đó các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp con số này là 83,5% và 65,5%. Điều này cho thấy sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài khu công nghiệp đang rất khó khăn.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp thận trọng trong việc nhận đơn hàng, đàm phán ký kết hợp đồng dài hạn để tránh rủi ro thua lỗ |
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Căn cứ vào số liệu 11 tháng, Bộ Công thương dự báo khả năng năm 2021, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của cả nước chỉ tăng khoảng 4-5% thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch (tăng 8-9%).
Doanh nghiệp vẫn đang sản xuất trong tâm thế vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, trong khi bài toán chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Ông Võ Đình Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã trở lại hoạt động 100% công suất với gần 2.000 lao động, đủ đơn hàng.
Song, vấn đề lo ngại nhất của doanh nghiệp này là chi phí sản xuất. Ông Hùng cho biết, doanh nghiệp này sản xuất theo chuỗi khép kín từ sợi, vải, may nhưng thời gian để hoàn thành các công đoạn này cũng kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng và chi phí giá thành.
Đơn cử, để sản xuất sợi, doanh nghiệp phải nhập toàn bộ bông từ thị trường nước ngoài như Mỹ, Mexico, Tây Phi... Giá bông hiện tại đã tăng lên tới 2,8 -2,9 USD/kg, trong khi trước đó dao động khoảng 1,3 USD/kg.
Ông Hùng nhìn nhận, giá bông tăng lên ttrong khi giá sản phẩm may mặc không tăng tương ứng nên doanh nghiệp thua lỗ. Vì vậy, doanh nghiệp luôn thận trọng trong nhận đơn hàng, tính toán kỹ giá cả.
Vừa sản xuất vừa chống dịch
Cùng chung tình cảnh, chia sẻ với Thời báo Ngân hàng - ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay, doanh nghiệp vẫn chưa trả nợ hết đơn hàng đã ký, do vậy thời điểm này, chưa tính tới việc nhận thêm đơn hàng mới trong quý I/2022. "Giờ tất cả mọi thứ tăng vọt nên không dám ký đơn hàng mới, nếu ký mà không tính tới yếu tố trượt giá, thì chúng tôi sẽ thua lỗ", ông Lĩnh nói.
Trước đây, thời gian ký hợp đồng của doanh nghiệp thường trước 6 tháng đến cả năm. Hiện, doanh nghiệp chỉ dám ký hợp đồng trong ngắn hạn để tránh rủi ro. Chủ tịch Thuận Phước cho hay, dịch bệnh là nguyên nhân bất khả kháng nhưng không thể là lý do để đối tác chấp nhận cho mình giao hàng chậm hoặc tăng giá bán sản phẩm so với hợp đồng đã ký. Ông Trần Văn Lĩnh bày tỏ: “Ký hợp đồng hàng năm thì doanh nghiệp quá rủi ro, chẳng ai dám ký. Dịch bệnh là bất khả kháng, nhưng nghĩa vụ giao hàng, thực hiện cam kết về giá thì mình phải tuân thủ”.
Từ quý IV/2021, doanh nghiệp này khởi động sản xuất lại theo điều kiện bình thường mới. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, rủi ro xuất hiện ca F0 trong xưởng sản xuất là rất lớn, dẫn tới phải tốn chi phí khử khuẩn, kéo theo cả ca làm việc phải tiến hành cách ly, doanh nghiệp lại thiếu lao động. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng từ 30-40%, đầu ra vận tải tăng cao gấp 10 lần so với trước dịch "ăn hết" lợi nhuận doanh nghiệp.
Liên quan tới hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM mới đây đã kiến nghị về việc sau khi cơ sở thu dung điều trị F0 của Khu chế xuất Linh Trung 2 đi vào hoạt động hiệu quả, chính quyền thành phố nên tạo điều kiện cho mô hình này được nhân rộng ra các khu công nghiệp khác để kịp thời thích ứng với tình hình phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, các khu công nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống y tế phòng chống dịch bệnh theo hướng tại nhà máy/doanh nghiệp có tổ y tế, tại công ty đầu tư hạ tầng của khu công nghiệp có trạm y tế hoặc đội ngũ y tế lưu động nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khi có F0. Trường hợp gặp khó khăn trong việc kết nối với bệnh viện thu dung bên ngoài tại các địa phương, công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần chủ động vận động đầu tư xây dựng cơ sở thu dung tầng 1 trong phòng chống dịch Covid-19.
Hồng Hạnh