Ở Việt Nam, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm khoảng 0,07% số doanh nghiệp cả nước (3/2021) nhưng đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm cũng như vai trò điều tiết, ổn định thị trường, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Điều đó chứng tỏ vai trò dẫn dắt của các DNNN trong nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay; góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tích cực tham gia các chính sách xã hội...
DNNN hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề ấy khi có sự đóng góp của những cán bộ quản lý, phát huy vai trò then chốt các DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; nắm bắt được xu hướng phát triển của khoa học - công nghệ thế giới.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã nhắc tới những cán bộ trưởng thành từ thực tiễn công tác, tham gia có hiệu quả trong công tác tái cơ cấu, xử lý khó khăn tài chính, góp phần đưa doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, thua lỗ, từng bước phát triển. Đó là các trường hợp của Pacific Airlines, Công ty TNHH 2 thành viên Đầu tư và Thương mại Tràng Tiền; Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Vinaconex, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN chia sẻ, bên cạnh sự tăng trưởng vượt bậc ở những DNNN lớn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của không ít DNNN còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đầu tư của nhà nước; cá biệt có những DN khả năng cạnh tranh thấp, giá bán sản phẩm, hàng hóa không đủ bù đắp chi phí dẫn đến kinh doanh thua lỗ.
Trong thời gian qua, Khối doanh nghiệp Trung ương có 30 tổ chức đảng bị kỷ luật do vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, vi phạm chính sách, pháp luật của nhà nước... Ngoài ra, các cơ quan đã kỷ luật 1.872 đảng viên, trong đó có 440 cấp ủy viên, 216 trường hợp bị khai trừ, nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quá trình xem xét, điều tra, xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế từng xảy ra tại Vinashin, Vinaline, Mobifone, PVN... đã làm rõ những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để lũng đoạn tổ chức, bộ máy; trục lợi cá nhân, tham nhũng.
Quá trình xử lý để lại những bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN nói chung và trong công tác lựa chọn, bổ nhiệm, quản lý, giám sát cán bộ trong DNNN nói riêng, nhất là những đảng viên được giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Tình trạng tha hóa quyền lực biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng khi một số cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN móc nối, ăn chia lợi ích bất chấp các quy định của pháp luật, cộng với sự thiếu gương mẫu của bộ phận cán bộ cấp cao trong công ty mẹ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khi phần lớn công ty con đều sai phạm.
Trước hiện trạng này, phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành DNNN cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh, có hội đồng đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn những người điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành doanh nghiệp trong nhiệm kỳ ba năm, ông Nguyễn Hồng Long cho biết thêm.
Song song với đó, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thật sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hoạt động độc lập và không chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo hoặc chi phối về lợi ích của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và ban điều hành doanh nghiệp…
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và đề xuất xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN. Theo đó, quy hoạch cán bộ sẽ không giúp chọn được người tài hay lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, mà chỉ chọn được người biết tuân thủ.
Thay vì quy hoạch, ông kiến nghị xây dựng kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài về làm việc. Xem xét bãi bỏ bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt DNNN theo cơ chế hành chính xin - cho mà hãy trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu, để đảm bảo cán bộ DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ của DNNN, không thể tách phần cán bộ ra khỏi khuôn khổ quản trị chung. Cũng không thể đánh giá cán bộ mà tách rời khỏi mục tiêu mà Nhà nước giao, cơ quan chủ sở hữu giao cho từng doanh nghiệp cụ thể, trên cơ sở các đánh giá khách quan, khoa học...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xay-dung-va-dao-tao-nhan-su-quan-ly-trong-dnnn-122334.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.