![]() |
Du lịch có kế hoạch mở cửa sớm nhất
Sau những ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 với việc khoá cửa biên giới kéo giảm khách du lịch quốc tế, giao thông ngừng trệ, dịch vụ lữ hành và khách sạn, nhà hàng đóng cửa hàng loạt... ngành du lịch giờ đây đang nỗ lực mạnh mẽ để “phá băng”.
Với chủ trương quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương, du lịch nội địa và quốc tế đang từng bước phục hồi, thu hút du khách trong điều kiện “bình thường mới”.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, mở cửa du lịch là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phục hồi kinh tế của thành phố. Bởi, du lịch đóng góp khoảng 10% trong GRDP của thành phố, phát triển được du lịch thì sẽ kéo theo rất nhiều ngành nghề, dịch vụ khác cùng phát triển như mua sắm, vận chuyển, vui chơi giải trí…
Vì vậy, ngay từ tháng 10, thành phố đã ban hành chương trình phục hồi kinh tế, mà du lịch là ngành đầu tiên làm kế hoạch riêng cho chương trình này, được Tổng cục Du lịch cũng như các địa phương đánh giá cao.
Tiếp nối thành công đó, giữa tháng 11, sau khi Chính phủ cho phép các địa phương đón khách quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đã mạnh đạn đề xuất Chính phủ cho phép được đón khách quốc tế từ ngày 1/12...
Chia sẻ kinh nghiệm khi đón đoàn khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc-xin đầu tiên đến Phú Quốc vừa qua, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng Giám đốc Vinpearl Luxury cho biết, đơn vị đã có sự chuẩn bị và đón tiếp kỹ lưỡng theo quy trình hướng dẫn đón khách quốc tế; chủ động kết hợp cùng đối tác chiến lược tìm kiếm nguồn khách có hộ chiếu vắc-xin tại thị trường Hàn Quốc; thiết kế riêng hành trình trải nghiệm, lưu trú, phân luồng, đưa đón khách trong nội khu tới các điểm vui chơi hoàn toàn tách biệt, không tiếp xúc với cộng đồng, không ảnh hưởng đến hoạt động của các khách nội địa khác.
Bàn về việc thí điểm đón khách du lịch, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, sau khi có chủ trương từ Chính phủ, thí điểm du lịch được triển khai, việc thí điểm này là để tập dượt, khẳng định với các thị trường là chúng ta tự tin mở cửa.
Hiện nay, có 3/5 địa phương đã đón khách quốc tế là Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa. Số khách còn khiêm tốn so với mong muốn nhưng đó là thí điểm. Sau đợt thí điểm, sẽ có báo cáo Chính phủ để điều chỉnh lại kế hoạch này nhằm có thể mở cửa an toàn, nhanh nhất và mở cửa hoàn toàn vào năm 2022.
![]() |
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Tọa đàm (Ảnh: Báo Thanh niên) |
Vẫn còn không ít thách thức
Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch an toàn và bền vững vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, có quan điểm cho rằng ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, sau khi nới lỏng sẽ có khả năng tự phục hồi. Thế nhưng, những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi vì doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng quá nặng nề.
Đối với các doanh nghiệp du lịch ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường thì có thể phục hồi tự nhiên. Nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất một phần thị trường nếu được bơm tín dụng ưu đãi có thể phục hồi được. Nhưng, nhóm doanh nghiệp đã quá kiệt quệ thì không còn đủ khả năng để phục hồi, TS. Trần Du Lịch phân tích.
Bên cạnh đó, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thủ tục cũng một phần cản bước doanh nghiệp du lịch phục hồi. Hiện nay, có một vướng mắc nữa khiến du khách nước ngoài "ngại" đến Việt Nam, đó là việc cách ly chưa có hướng dẫn nhất quán đối với những người đã tiêm đủ vắc-xin, đã âm tính và người chưa tiêm đủ vắc-xin thì ứng xử thế nào, cách ly mấy ngày, nếu không cách ly thì ra sao. Việc đàm phán với các nước để xác nhận hộ chiếu vắc-xin cũng đang là một thách thức.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết, các phần mềm khai báo y tế tại Việt Nam hiện vẫn chưa có sự thống nhất chung, phần mềm nhập cảnh chưa ưu việt hóa. Mặc dù Chính phủ đã xác nhận thống nhất dùng PC-COVID, nhưng thực tế Phú Quốc hiện dùng Vietnam Safe travel, Đà Nẵng lại dùng Zalo 1022, Quảng Nam thì dùng VNEID... Du khách khi đến du lịch phải tìm hiểu và tải rất nhiều phần mềm. Trong khi đó, phần mềm quản lý xuất nhập cảnh mà Bộ Công an đang yêu cầu sử dụng là IGOVN thì không quét được điểm check-in, máy roaming không khai báo nhập cảnh được…
Bàn về các giải pháp mở cửa du lịch an toàn trong thời gian tới, TS. Trần Du Lịch cho rằng cần giải quyết 3 vấn đề: Chuyển hướng thực chất quan điểm chống dịch từ "Zero COVID" sang thích ứng an toàn, sống chung với COVID-19; Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng cần ưu tiên phục hồi du lịch; Hàng không và du lịch luôn song hành, không mở hàng không thì đừng bàn mở du lịch.
Nếu được mở cửa du lịch, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định ngành này sẽ đảm bảo an toàn về hàng không, an toàn về chống dịch. Đồng thời, để tạo niềm tin cho du khách trong nước và quốc tế khi đến Việt Nam, cần có giải pháp bảo lưu số tiền khi mua tour và hỗ trợ khách về quê an toàn nếu chuyến đi gặp vấn đề dịch bệnh…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mo-cua-du-lich-giai-phap-mo-rong-da-phuc-hoi-kinh-te-122316.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.