Miền Trung gỡ khó tiêu thụ nông sản

Các địa phương trong khu vực miền Trung cần xây dựng được những vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng...
mien trung go kho tieu thu nong san Gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản sang Nga
mien trung go kho tieu thu nong san Ngân hàng hỗ trợ chuỗi nông sản
mien trung go kho tieu thu nong san Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc: Đòi hỏi phải cải thiện chất lượng

Tiềm năng về nông sản

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng năng lực sản xuất nông, lâm, thủy sản cả nước khoảng 140 triệu tấn/năm. Trong đó, lúa, ngô đạt 48,63 triệu tấn/năm; rau, quả đạt 26,8 triệu tấn/năm; cây công nghiệp lâu năm đạt 4,58 triệu tấn/năm; thịt, sữa đạt 6,5 triệu tấn/năm; trứng đạt 13,8 tỷ quả/năm; thủy sản đạt 8,4 triệu tấn/năm; gỗ đạt 20,5 triệu m3/năm...

Trong đó, sản lượng trồng trọt của miền Trung chiếm 20,1% tổng sản lượng cả nước, sản lượng chăn nuôi của khu vực chiếm 21,2% tổng sản lượng cả nước, sản lượng thủy sản của miền Trung chiếm 22,1% tổng sản lượng cả nước, sản lượng gỗ của miền Trung chiếm 57,5% tổng sản lượng cả nước... Bởi vậy, có thể nói miền Trung là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển các mặt hàng nông sản. Thời gian qua, tại các tỉnh miền Trung đã hình thành những vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa tập trung, an toàn, có chứng nhận, gắn với truy xuất nguồn gốc.

mien trung go kho tieu thu nong san
Thương hiệu cam Vinh một trong những nông sản nổi tiếng ở miền Trung

Theo bà Võ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, thời gian qua địa phương đã quy hoạch và phát triển được các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung để sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, phát triển các sản phẩm OCOP, cung cấp các sản phẩm chất lượng ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 14.829 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô khác nhau. Trong đó, đối với cây ăn quả, tỉnh có vùng nguyên liệu lâu năm rộng lớn như cam quýt, dứa, nhãn, chanh leo...

Hiện, trên địa bàn Nghệ An có Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) với dây chuyền sản xuất nước chanh leo cô đặc, nước ép trái cây; Nhà máy dứa cô đặc Quỳnh Lưu chuyên về xuất khẩu các loại nước ép trái cây và đồ uống bổ dưỡng với thị trường chủ yếu là các nước EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về chế biến sữa. Tổng công suất chế biến sữa hiện nay đạt khoảng 250 triệu lít/năm gồm: Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True Milk công suất 200 triệu lít/năm. Hiện nay Nhà máy đang làm thủ tục để đầu tư mở rộng nâng công suất lên 300 triệu lít/năm; Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An công suất mở rộng đạt 92 triệu lít/năm...

Tương tự, cũng ở khu vực miền Trung, Quảng Trị cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Đơn cử như, chuối mật mốc ở Hướng Hóa, bơ ở Hướng Hóa, Gio Linh; cam, bưởi ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng... Việc phát triển diện tích và chất lượng sản phẩm cây ăn quả luôn được tỉnh quan tâm, xác định đây là nhóm cây trồng chủ lực để hình thành các vùng sản xuất tập trung, cải tạo vườn trồng cây ăn quả có giá trị. Dự kiến, đến năm 2026 sẽ trồng mới hoặc ghép cải tạo có hiệu quả ít nhất 250 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (cam, chanh leo, bơ 034, sầu riêng); có ít nhất 30 ha cây ăn quả được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ... Bên cạnh đó, hồ tiêu là cây chủ lực đặc trưng của Quảng Trị, đến nay đã có chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao.

Cần tăng cường sự kết nối

Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn miền Trung, đã có nhiều hộ nông dân, hàng nghìn HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, theo đánh giá chung vẫn còn những hạn chế. Dù đã nỗ lực nhiều giải pháp mở rộng và tìm kiếm thị trường, nhưng tiêu thụ sản phẩm nông sản của miền Trung vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 như hiện nay.

Trên thực tế, miền Trung là khu vực gặp khó khăn trong sản xuất trồng trọt khi chịu nhiều yếu tố bất thuận của thời tiết, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường. Một số cây trồng chủ lực không có lợi thế so sánh, diện tích đang có xu hướng giảm như ngô, mía, đậu tương... Nhiều cây trồng chủ lực vẫn chưa tiến hành mở cửa được thị trường vẫn phải xuất qua con đường tiểu ngạch. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đang là một thách thức đối với sản xuất hàng hóa quy mô lớn của vùng. Bên cạnh đó, dịch vụ logistic còn yếu, nhất là phương tiện vận tải, kho bảo quản, kho lạnh. Năng lực chế biến, chế biến sâu còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển cây trồng phục vụ xuất khẩu của vùng...

Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế các địa phương trong khu vực miền Trung cần xây dựng được những vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản phẩm nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp. Phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản.

Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, địa phương mong muốn các bộ, ban, ngành Trung ương và các nhà phân phối, bán lẻ lớn hỗ trợ, kết nối đưa nông sản vào các hệ thống phân phối, siêu thị lớn và các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước để nông sản Nghệ An có nguồn tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, đặc biệt là cam Vinh đang vào vụ thu hoạch, sản phẩn nông nghiệp được xác lập chỉ dẫn địa lý năm 2007, một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Nghệ An.

Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp, theo đại diện WinCommerce, thành viên Tập đoàn Masan, đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart, công ty luôn sẵn sàng đồng hành cùng bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và phân phối các nông sản, đặc sản chủ lực của các tỉnh miền Trung, cụ thể như trái cây, các loại thủy hải sản... đến người tiêu dùng trên toàn quốc. Tương tự, đại diện BigC cũng cho rằng thời gian qua, hàng hoá nông, lâm, hải sản ở khu vực đã tăng đáng kể trong hệ thống siêu thị BigC do khách hàng đã kiểm chứng được chất lượng và giá cả. Với mạng lưới phân phối rộng khắp, chuỗi siêu thị BigC hoàn toàn có thể vừa đẩy mạnh tiêu thụ đồng thời quảng bá tốt cho nông sản miền Trung.

Kết nối gỡ khó trong việc tiêu thụ nông sản cho miền Trung, bên cạnh những nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp ở trong khu vực để phát huy được tiềm năng và thế mạnh của hàng hoá nông, lâm, thuỷ hải sản của miền Trung, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ các cơ sở sản xuất về mặt chiến lược, định hướng và hỗ trợ chuyên sâu về các khâu trong chuỗi cung ứng từ chế biến, sản xuất đến bảo quản hàng hoá, vận chuyển đến các trung tâm bảo quản hoặc các chuỗi cung ứng hậu cần đảm bảo chất lượng hàng hoá đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và đạt hiệu quả về giá trị cung ứng trên thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/mien-trung-go-kho-tieu-thu-nong-san-122262.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.