![]() |
Một góc phòng tranh Bồ Đề Tây Phương |
Từng khởi nghiệp từ các sản phẩm thiên nhiên, sau mấy năm lăn lộn trên thị trường, Hoàng Thanh Phương (sinh năm 1984) – chủ phòng tranh Bồ đề Tây Phương vẫn cảm thấy “chưa ưng” bởi suy nghĩ muốn có một vật phẩm lưu niệm gì mang đặc trưng của đất cố đô. Trong những chiều đi dọc theo con đường Tràng An dẫn vào chùa Bái Đính, dưới những hàng cây bồ đề tĩnh lặng, Phương vẫn trăn trở tìm kiếm ý tưởng tạo ra một sản phẩm mà ai đến Ninh Bình đều không thể quên.
![]() |
Hoàng Thanh Phương tự tay chau chuốt từng sản phẩm |
Cơ duyên rồi cũng đến, năm 2018, trong một lần xem chiếc lá bồ đề khô của một người bạn đem về từ Ấn Độ, Hoàng Thanh Phương chợt nảy ra suy nghĩ: dọc con đường Tràng An, có hàng vạn cây bồ đề xanh mướt, với hàng triệu triệu chiếc lá mà không ai nghĩ đến khai thác như ở Đất Phật xa xôi. Đem ý tưởng đó, Phương thổ lộ với Vũ Trung Đức (sinh năm 1988) - Giám đốc HTX Sinh Dược, người cũng đang chế xuất và kinh doanh các sản phẩm tự nhiên như tinh dầu, xà phòng thảo dược, muối ngâm chân…
![]() |
Công đoạn nhuộm màu lá bồ đề tại HTX Sinh Dược |
Dù không cùng ngành nghề, nhưng lại cùng chung tình yêu với đất cố đô, Hoàng Thanh Phương và Vũ Trung Đức hăm hở bắt tay vào thử nghiệm. Với lợi thế của HTX Sinh Dược có nhân công, mặt bằng, lại nằm gần chùa Bái Đính nên nguồn nguyên liệu lá bồ đề rất dồi dào.
Sau nhiều lần thử nghiệm, tìm tòi, hai người bạn trẻ đã tìm ra cách sơ chế lá bồ đề và tìm hiểu về những ý nghĩa sâu xa của Nhà Phật giáo dục cho con người hướng tới cuộc sống thiện lành.
Những chiếc lá bồ đề được bóc tách phần thịt lá, giữ nguyên phần xương được chế biến thành những món đồ lưu niệm nho nhỏ, trên đó viết những chữ thư pháp cầu chúc Bình An. Đem những món quà đó tặng bạn bè, Phương và Đức đều nhận được những phản hồi khá tích cực.
![]() |
Phơi lá bồ đề |
Tiếp tục bước đi trên con đường như một cái duyên, hai bạn trẻ tìm tòi, thử nghiệm một số ý tưởng khác từ chiếc lá bồ đề khô. Hoàng Thanh Phương tâm sự, ban đầu họ chỉ “dám làm” những tác phẩm đơn giản, đem tặng hay bán cho du khách.
Sau 3 năm, có những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhưng với suy nghĩ thôi thúc tạo ra những vật phẩm lưu niệm gắn với danh thắng Tràng An – Bái Đính, Phương và Đức vẫn kiên trì đi theo con đường đã chọn. Dần dần, những tác phẩm tranh lá bồ đề ra đời, gắn liền với những tích xưa, mang theo nhiều giáo lý, triết lý nhân văn.
![]() |
Lá bồ đề được chế tác thành nhiều vật phẩm |
Để làm ra một bức tranh lá bồ đề, đó là hành trình khá dài. Từ khâu chọn lá, sơ chế, nhuộm màu… những chiếc lá bồ đề mộc mạc được những người thợ tài hoa thổi hồn vào, đem lại một sức sống lạ thường.
Thông thường, mỗi bức tranh tuỳ vào kích thước khác nhau sẽ mất từ 20 - 30 ngày để hoàn thành. Đối với những bức tranh pha trộn thêm chất liệu khác như gỗ, đá… thời gian còn lâu hơn, bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỷ mẩn. Thậm chí, còn phụ thuộc vào cảm hứng sáng tạo của những người thợ…
![]() |
Công đoạn chế tác đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì |
Người ta thường nói: “Cứ đi để lối thành đường” và câu nói này đã đúng với Hoàng Thanh Phương và Vũ Trung Đức. Vượt qua những khó khăn ban đầu, năm 2020 phòng tranh Bồ đề Tây Phương ra đời, đồng hành và sản xuất và giới thiệu những tác phẩm tranh nghệ thuật từ lá bồ đề.
![]() |
Một tác phẩm tranh Phật từ lá bồ đề |
Những tác phẩm đó đã bay xa, không chỉ ở trong nước, mà còn theo chân du khách ra nước ngoài. Không những thế, từ thành công của tranh lá bồ đề, hai người trẻ còn đang ấp ủ nhiều dự định như một sự “giác ngộ”. Họ tâm niệm, tranh lá bồ đề là quả ngọt đã hái, giờ là lúc họ toàn tâm toàn ý ươm mầm giác ngộ cho đời sau.
![]() |
Hàng ngàn cây bồ đề được ươm tại phong tranh |
Trong cuộc trò chuyện, Vũ Trung Đức bật mý: HTX Sinh Dược giờ ổn lắm anh ạ. 50 - 60 xã viên có việc làm thu nhập ổn định, lá bồ đề đã trở thành một trong những sản phẩm chính của cơ sở. Hiện HTX Sinh Dược đã ươm trồng được một vài vườn bồ đề để khai thác lá.
Còn với Hoàng Thanh Phương, sau chặng đường gắn bó với lá bồ đề, ngoài giá trị kinh tế, anh mong muốn, con đường có hàng vạn cây bồ đề dẫn vào Tràng An – Bái Đính sẽ được đặt tên là “Con đường Bồ Đề”, để trong tiềm thức mỗi người, khi đi trên con đường đó sẽ hướng Tâm về đất Phật. Hoàng Thanh Phương còn ấp ủ và đã gieo hàng ngàn cây bồ đề con, với hy vọng một lúc nào đó, mỗi người về với đất cố đô, về với chùa Bái Đính, sẽ tự tay trồng một cây bồ đề, ươm mầm Thiện – Tâm, tạo ra một rừng cây bồ đề!
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-nguoi-thoi-hon-vao-chiec-la-bo-de-122243.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.