Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
07:59 | 03/12/2021
Trong quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề từ năm 2010, TP.HCM đã đào tạo nghề cho trên 90.500 lao động nông thôn, sau học nghề có 85% lao động có việc làm, số còn lại tự tạo hoặc tự tìm việc làm.
![]() | Nâng cao chất lượng đào tạo nghề |
![]() | Tín dụng hợp lực thúc đẩy đào tạo nghề |
![]() | Hỗ trợ giáo dục và hướng nghiệp cho sinh viên |
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp TP.HCM, trong suốt thời gian qua, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM đã có bước cải thiện đáng kể, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Từ việc phải chủ động tìm kiếm các lớp học nghề, nay người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu cá nhân, xã hội. Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò đào tạo nghề nghiệp trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Điển hình của việc thành công trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là huyện Củ Chi. Trong 10 năm qua, toàn huyện Củ Chi đã có 17.288 lao động nông thôn được tư vấn học nghề. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố cơ sở 2 (tại xã Trung An) tổ chức 32 sàn giao dịch việc làm miễn phí cho người lao động và các hội thảo định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, nhằm góp phần đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 85% theo quy định. Nhờ việc đào tạo nghề cũng như tư vấn chuyển dịch cơ cấu, huyện Củ Chi đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và đem lại thu nhập tốt cho người lao động nông thôn. Các mô hình nghề phi nông nghiệp đang ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả tích cực trong việc đào tạo nghề như làm các sản phẩm giỏ xách, móc khóa, bình hoa…
![]() |
Cuối tháng 11 vừa qua, tổng kết kết quả thực hiện mục tiêu Đề án giai đoạn 2010 - 2015, TP.HCM cho biết đề án đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 34.800 người, có gần 9.800 người học nghề nông nghiệp và hơn 25.000 người học nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 55.700 người lao động, đạt tỷ lệ 101,3% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Nối tiếp thành công của đề án, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết trong thời gian tới, thành phố cũng đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025 với các nội dung trọng tâm: Ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lao động nữ; Gắn dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề; Tăng cường tín dụng đối với lao động nông thôn được tiếp cận và vay vốn ưu đãi, vốn vay hỗ trợ lãi suất, nhằm mở rộng hỗ trợ sản xuất, thu hút lao động tại chỗ để giải quyết việc làm...
Để tiếp nối thành công của đề án, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng kế hoạch trung hạn đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 8.111 người với tổng kinh phí thực hiện là 37,140 tỷ đồng. Đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đào tạo nghề nông nghiệp đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 85% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ đào tạo nghề do mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành năm 2009 đến nay không còn phù hợp. Đồng thời, lao động tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp đa phần là người lớn tuổi, tham gia học nghề nhưng lại không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, cần mở rộng độ tuổi học nghề để được hỗ trợ khi ban hành chính sách cho giai đoạn mới.
“Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố và hướng tới thực hiện quyết liệt hơn nữa theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao, thì việc dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới phải chuyển hướng theo mô hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Kinh nghiệm của 10 năm qua là nền tảng để triển khai chắc chắn, hiệu quả trong những năm tiếp theo về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM”, ông Lâm khẳng định.
Ngọc Hậu