Doanh nghiệp F&B rụt rè chờ tín hiệu thị trường

Nhiều doanh nghiệp thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) đã tăng tốc, thậm chí bố trí làm 3 ca để "chạy" kế hoạch Tết. Tuy nhiên, năm nay, tình hình khá căng thẳng vì vừa lo kiểm soát dịch vừa lo sản xuất, chào hàng bán Tết nên các doanh nghiệp hiện chỉ sản xuất theo đặt hàng và dự trữ sẵn nguyên liệu để sẵn sàng tăng tốc nếu thị trường cuối năm có dấu hiệu khởi sắc.
doanh nghiep fb rut re cho tin hieu thi truong Ngành Thực phẩm - Đồ uống 2021: Bức tranh nhuốm màu COVID

Trong bối cảnh “sống chung” với dịch Covid-19, doanh thu mảng dịch vụ ăn uống tháng 10/2021 được ghi nhận tăng 13,5% so với tháng trước. Thế nhưng, mức này vẫn giảm 92,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, trong suốt thời gian vừa qua, các doanh nghiệp tuy rất thận trọng, nhưng cũng chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, bao bì để khi nhà phân phối tăng đặt hàng hoặc thị trường khởi sắc sẽ lập tức tăng tốc đáp ứng. Mọi năm vào thời điểm này, doanh nghiệp đã tăng sản xuất dự trữ 20% cho thị trường Tết nhưng năm nay chưa dám sản xuất nhiều. Nếu thị trường có tín hiệu tích cực thì doanh nghiệp sẽ tổ chức tăng ca, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu.

doanh nghiep fb rut re cho tin hieu thi truong
Các doanh nghiệp hiện chỉ sản xuất theo đặt hàng và dự trữ sẵn nguyên liệu để sẵn sàng tăng tốc

Thông thường mọi năm, thời điểm này doanh nghiệp đã bắt đầu tăng công suất thêm khoảng 20% cho thị trường Tết nhưng năm nay chưa dám sản xuất nhiều. “Một số doanh nghiệp lớn đang sản xuất gối đầu cho 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết nhưng do sức mua đang rất chậm, diễn biến thị trường khó lường và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp không tăng sản lượng nhiều, càng không dám phát triển nhiều sản phẩm mới như mọi năm”, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết.

Thực vậy, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) dự báo sức mua thị trường Tết sẽ giảm khoảng 10%-20% so với các năm trước. Sau dịch, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20%-30%, bên cạnh đó, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên, lãnh dạo doanh nghiệp vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường 2 tháng trước, trong và sau Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Hơn thế, tại một số doanh nghiệp, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang gặp khó khăn do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn vướng vì lưu thông hàng hóa chưa hồi phục hoàn toàn; các doanh nghiệp sản xuất thì vừa phải tính toán cân đối chi phí sản xuất, tìm giải pháp bán hàng hiệu quả hơn, vừa phải kiểm soát dịch trong nội bộ.

Hiện tại, một số nhà sản xuất hàng thực phẩm chế biến, sản xuất hàng Tết gần như đã hoàn chỉnh và đang triển khai chào bán cho các hệ thống phân phối chủ lực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân phối chỉ mới đặt hàng cho tháng 12, tăng 20% so với tháng 11, chứ chưa đặt đơn hàng cho tháng 1/2022 vì sức mua chậm. Thêm vào đó, nhà phân phối bán lẻ vẫn còn tồn kho sản lượng khá lớn các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm khô vẫn chưa tiêu thụ hết.

Bà Lý Kim Chi nhận định, các doanh nghiệp đang trong tâm thế thăm dò với tinh thần vẫn làm hàng chủ lực gối đầu trước Tết nhưng số lượng chỉ nhỉnh hơn ngày thường một chút. Doanh nghiệp sản xuất ngành thực phẩm chế biến đang gặp khá nhiều khó khăn khi nguồn dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, giá đầu vào nhập về đang tăng, giá nguyên liệu trong nước cũng tăng hơn 10%. Thế nên, sản phẩm ngành lương thực thực phẩm bán ra không thể không tăng giá. “Thực tế, giá cả hàng hóa tăng đang làm khó nỗ lực kích cầu của thị trường”, bà Chi chia sẻ.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong 10 tháng đầu năm, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP.HCM chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ. Hai tháng cuối năm, với các chính sách kích cầu và chương trình khuyến mại tập trung, TP.HCM kỳ vọng sẽ hỗ trợ người tiêu dùng tăng cường mua sắm, thậm chí có thể tiếp cận với những sản phẩm thương hiệu quốc tế với giá cả phù hợp. Việc tổ chức tháng khuyến mại có ý nghĩa rất quan trọng, là cầu nối cho người kinh doanh và người tiêu dùng gặp nhau và tiếp tục tạo nền tảng nâng cao hiệu quả thương mại.

“Từ giữa tháng 9/2021, ngành công thương TP.HCM đã có nhiều kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, sản xuất kinh doanh, chăm lo người lao động, mở rộng thị trường, liên kết vùng. Sở Công thương TP.HCM cũng đã tiếp tục triển khai kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để doanh nghiệp có lãi suất ưu đãi đẩy mạnh sản xuất hàng hóa phục vụ người dân thời điểm cuối năm…”, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM khẳng định.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-fb-rut-re-cho-tin-hieu-thi-truong-122014.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.