Chế biến rau quả xuất khẩu - “mỏ vàng” cần khai thác

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã khuyến khích doanh nghiệp phát triển mảng chế biến rau quả và được đánh giá là hướng đi đúng nhằm tạo thế trụ vững trên thị trường xuất khẩu.
che bien rau qua xuat khau mo vang can khai thac Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến
che bien rau qua xuat khau mo vang can khai thac Cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt qua thách thức

Theo dự báo mới đây, thị trường rau quả chế biến toàn cầu có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2027.

Mặc dù trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến bảo quản trái cây tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước đó, với 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và khoảng 156 nhà máy chế biến có dây chuyền, công nghệ hiện đại. Nhưng trên thực tế, cũng chỉ mới đáp ứng sơ chế 8 đến 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hàng năm. Đến nay, 76,2% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao (khoảng trên 20%). So với yêu cầu phát triển và hội nhập trong điều kiện cạnh tranh mới, thì ngành chế biến rau quả vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại, hạn chế. Đóng góp vào giá trị gia tăng của rau quả hàng hoá còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ đối với việc thay đổi cơ cấu cây trồng.

che bien rau qua xuat khau mo vang can khai thac

Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã khuyến khích doanh nghiệp phát triển mảng chế biến rau quả và được đánh giá là hướng đi đúng nhằm tạo thế trụ vững trên thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh công suất chế biến trái cây vẫn còn khá khiêm tốn (chỉ hơn 50.000 tấn/năm), tỉnh Tiền Giang, địa phương có diện tích cây ăn quả dẫn đầu cả nước với trên 79.000ha, gồm 11 loại cây chủ lực, cho sản lượng mỗi năm trên 1,5 triệu tấn quả, đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến rau quả. Các doanh nghiệp ở Đồng Tháp cũng đang chuẩn bị sản xuất các đơn hàng cho một số thị trường xuất khẩu chủ lực như EU, Úc, Mỹ với các sản phẩm tinh bột chế biến từ rau quả như sắn, bột biến tính, khoai lang, dong riềng và đang phát triển thêm các dòng sản phẩm chế biến mới từ rau quả như nui ngũ sắc, bánh canh ngũ sắc, bánh canh khoai lang tím…

Cũng vậy, “thủ phủ dừa” Bến Tre cũng đã khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn khôi phục công nghiệp chế biến trái cây ngay trong khó khăn. CTCP Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) giữ được chuỗi cung ứng xuất khẩu với dây chuyền sản xuất và thương mại hóa được dòng sản phẩm mới là sữa dừa trái cây, được thị trường đón nhận rất tốt. Mặt hàng này đang được xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ, bình quân khoảng 8 container/tháng. Lãnh đạo Beinco cho biết, các sản phẩm chế biến từ dừa Bến Tre vẫn được khách hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Đông… đón nhận trong đại dịch.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nga, Australia tăng lần lượt từ 22,79%, 11,79%, 6,05%, 2,88% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 24,88%, 11,96%, 6,44%, 4,07% trong 9 tháng đầu năm 2021. Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hoá gấp 3 - 4 lần so với giá quả tươi. Việc đưa trái cây, rau củ vào chế biến sâu sẽ tăng thời gian bảo quản, giúp thoát được tình trạng dư cung. Dự báo trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, đến hết năm 2021, xuất khẩu toàn ngành rau củ quả sẽ vượt mức 4 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Chỉ riêng thị trường EU với giá trị nhập khẩu trái cây chế biến năm 2020 đã đạt 25,22 tỷ USD… Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu trái cây chế biến của Việt Nam sang EU vẫn còn ở mức thấp. Việc tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trái cây chế biến của Việt Nam sang thị trường này vẫn đang được kỳ vọng nhiều. Cũng như vậy, Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng cho trái cây chế biến của Việt Nam. Trong năm 2021 này, giá trị nhập khẩu trái cây vào quốc gia này được dự báo có thể lên tới 15,1 tỷ USD. Đây là “mỏ vàng” mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng. Hơn thế nữa, chế biến, bảo quản nông sản cũng là lĩnh vực đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích, hỗ trợ để chuẩn bị tốt nhất cho phương án phát triển hậu dịch Covid-19 với các thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, châu Âu, Mỹ.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc phát triển mảng chế biến rau quả thời gian gần đây đã giúp tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa cho nông dân. Với dòng hàng này, doanh nghiệp không gặp áp lực tiêu thụ nhanh, có thể trữ để bán dần. “Dự báo hết năm 2021, xuất khẩu toàn ngành sẽ vượt mức 4 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Năm nay, mảng rau quả chế biến (cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon…) tăng trưởng gần 40%, chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ mức dưới 15% trước khi có dịch", ông Nguyên cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/che-bien-rau-qua-xuat-khau-mo-vang-can-khai-thac-121939.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.