![]() |
Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có tăng trưởng ấn tượng với tốc độ 18%, quy mô 11,8 tỉ USD. |
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á
Chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử”, do báo Công Thương phối hợp cùng một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/11, bà Hồ Thị Tố Uyên, Phó trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương ) cho biết: "Tốc độ phát triển thương mại điện tử của Việt Nam đang đứng đầu thị trường Đông Nam Á".
Theo bà Uyên, trong giai đoạn năm 2014-2019, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vào khoảng 30%/năm, đưa doanh thu bán lẻ từ 2,97 tỉ USD lên 10,8 tỉ USD.
Năm 2020, dù chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 nhưng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có tăng trưởng ấn tượng với tốc độ 18%, quy mô 11,8 tỉ USD.
"Với tốc độ này, thị trường TMĐT của Việt Nam đang đứng đầu thị trường Đông Nam Á. Về quy mô, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan và Indonesia" - bà Uyên nhấn mạnh.
Bà Uyên nhận định, sự tăng trưởng này cũng đồng nghĩa với việc thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi. Họ chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, hạn chế mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng...
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng thay đổi tư duy, từ chỗ trước đây chỉ coi TMĐT là một lựa chọn thì hiện nay họ coi TMĐT là yếu tố giúp công ty tồn tại và phát triển. Các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cũng vì vậy mà tăng cường ứng dụng bán hàng trên mạng xã hội.
“Theo thống kê của cơ quan thuế, có những doanh nghiệp đạt doanh thu khủng lên tới hàng trăm tỉ đồng nhờ thương mại điện tử”, bà Uyên chia sẻ.
Một trong những xu hướng đang nở rộ của thương mại điện tử thời gian gần đây, theo bà Uyên là xu hướng bán hàng qua livestream. Một thống kê của Công ty Cổ phần Công nghệ Gostream cho thấy, hiện trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 70.000 - 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; khoảng 2.000 - 3.000 phiên livestream bán trên nền tảng các sàn TMĐT.
Đánh giá về xu hướng mua sắm qua TMĐT, đại diện các sàn TMĐT Lazada, Shopee cũng cho rằng, thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua sắm qua TMĐT ngày càng nhiều, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19.
Báo cáo quý III/2021 của Lazada Việt Nam cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam ưu tiên lựa chọn TMĐT để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cụ thể, lượng khách hàng truy cập hàng ngày, số lượng khách mua hàng và số lượng đơn hàng trên Lazada đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT Lazada cũng tăng hơn 1,5 lần.
“Các mặt hàng được chú ý nhiều là thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày, bảo vệ sức khỏe, sắc đẹp, gần đây có thêm các mặt hàng phục vụ làm việc và giải trí tại nhà (máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh…”, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada cho hay.
Các sàn đã “gần” hơn với người tiêu dùng
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng BVNTD (Cục Cạnh tranh và BVNTD - Bộ Công Thương) cho biết, xu hướng mua sắm qua sàn TMĐT đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt dịch Covid -19 lại càng thúc đẩy nhu cầu giao dịch trực tuyến.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết đối với công tác quản lý, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới.
Thực tế, nhiều mặt hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai, dễ dàng tung ra thị trường theo hình thức kinh doanh trực tuyến, qua sàn TMĐT hoặc qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber… được tích hợp các tính năng tiếp thị, đặt hàng, giao hàng, thanh toán như một sàn TMĐT.
Theo ông Quảng, hiện vẫn còn tồn tại nhiều hành vi vi phạm của nhà bán khi giao hàng không đúng với thực tế khách hàng đặt mua; giải quyết tranh chấp không được thỏa đáng… “Trong khoảng 3 năm gần đây, trung bình, mỗi năm Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng giải quyết khoảng 500 vụ việc khiếu nại liên quan đến bảo vệ quyền lợi khách hàng khi mua sắm trên sàn TMĐT”, ông Quảng nói.
Bà Uyên cho hay, gần đây, các vụ việc vi phạm đang có xu hướng giảm đi do sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự phối hợp giải quyết rất tốt của các sàn. Hiện, các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee đều công khai chính sách giải quyết tranh chấp rất minh bạch; công bố đầu mối tiếp nhận, quy trình và thời hạn xử lý. Sàn cho phép NTD báo cáo xấu nếu nhà bán bán hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền SHTT. Thậm chí, Shopee áp dụng mức điểm phạt Sao Quả Tạ…
“Thêm nữa, khi có tranh chấp xảy ra với bên bán, các sàn đều phối hợp xử lý khá nhanh mà không đợi đến khi có văn bản của cơ quan quản lý”, bà Uyên dẫn chứng.
Trao đổi về các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng, bà Tú cho biết, với phương châm đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, Lazada đã xây dựng bộ quy chế đầy đủ, chi tiết; trong đó, quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên mua sắm, đặc biệt chú ý đến tính minh bạch, đầy đủ và chính xác của thông tin khi cung cấp cho khách hàng.
Mặt khác, đội ngũ chăm sóc khách hàng được xây dựng chuyên nghiệp và thường xuyên cải tiến để phục vụ nhu cầu khách hàng khi mua sắm trên sàn TMĐT Lazada.
Về phía sàn TMĐT Shopee, trong thời gian qua, sàn này đã áp dụng chính sách hỗ trợ người tiêu dùng theo cam kết đảm bảo cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến bảo mật, an toàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ thanh toán cho người bán khi đơn hàng được xác nhận, người mua nhận được hàng trong tình trạng tốt và không có bất kỳ khiếu nại nào kèm theo.
Hơn nữa, Shopee còn áp dụng chính sách trả hàng hoàn tiền nên người mua có quyền trả hàng hoàn tiền sản phẩm trong trường hợp có những khiếu nại về chất lượng sản phẩm. Đối với người bán, Shopee cũng thường xuyên sàng lọc danh sách, đảm bảo người bán không vi phạm chính sách bán hàng nhằm góp phần bảo vệ người mua trên sàn thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia tại tọa đàm, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đáng chú ý, trong đó quy định người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh hiểu nhầm khi quyết định giao kết hợp đồng.
Một trong những điểm mới của Nghị định 85/2021/NĐ-CP là chủ sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm kịp thời xử lý các phản ánh khi phát hiện ra vi phạm; có biện pháp gỡ bỏ thông tin phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan quản lý.
Nghị định cũng quy định thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam phải có trách nhiệm xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn TMĐT đó.
Với các sàn có chức năng thanh toán trực tuyến, chủ sàn phải thay mặt người bán nước ngoài xử lý khiếu nại của người tiêu dùng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thi-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-phat-trien-voi-toc-do-rat-nhanh-121923.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.