Kết nối tiêu thụ rau vụ Đông

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, chúng ta phải làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, vụ đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Riêng năm 2020, các tỉnh phía Bắc đã gieo trồng gần 375 nghìn ha, tổng giá trị đạt khoảng 32,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó khu vực Đồng bằng sông Hồng chiếm tới khoảng 160 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng trên 1.88 triệu tấn với tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, theo kế hoạch thì vụ đông miền Bắc sẽ thực hiện trên diện tích khoảng 400 nghìn ha với sản lượng 4,6 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng, trong đó, tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, sát với nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam cho biết, hiện tỉnh tập trung phát triển mạnh cây vụ đông, bởi vụ sản xuất này đem lại nguồn lợi cao cho người dân. Năm 2021, điều kiện thời tiết khá thuận lợi, tổng diện tích cây vụ đông trên địa phương là gần 10.000ha, trong đó rau, củ, quả là trên 4.500ha, sản lượng dự kiến 100.000 tấn. Sản phẩm chính của tỉnh là dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ… Về cây ăn quả, tỉnh có khoảng 6.000ha. Dự kiến đến Tết nguyên đán, sản lượng khoảng 40.000 tấn, gồm các loại chuối, bưởi… Ông Ngọc bày tỏ mong muốn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng như các tỉnh, thành phố tiếp tục tạo mạng lưới tiêu thụ, liên kết không chỉ sản phẩm rau vụ đông, mà còn cả các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

ket noi tieu thu rau vu dong
Cần những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến với người tiêu dùng

Còn theo bà Hoàng Thị Tố Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, năm 2021, sản lượng lúa tại Nam Định ước đạt gần 900 nghìn tấn, thịt lợn ước đạt gần 160 nghìn tấn, gia cầm gần 30 nghìn tấn. Đặc biệt, sản lượng thủy sản của Nam Định năm 2021 ước đạt khoảng 180 nghìn tấn; trong đó có 500ha diện tích nuôi ngao được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC. Về sản xuất rau vụ đông 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng với diện tích từ 11 nghìn ha trở lên với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang… rất phù hợp cho việc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiện nay sức tiêu thụ của tỉnh Nam Định là 70%, số nông sản còn lại sẽ phục vụ cho các tỉnh khác. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương bị dư thừa. Đặc biệt là ngao, một ngành hàng chất lượng cao của tỉnh, trước đây tiêu thụ rất mạnh vào thị trường Hà Nội và Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Chủ tịch HĐQT Nutrimart chia sẻ, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng nhưng vẫn yếu về sơ chế, đóng gói. Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, các địa phương cần đầu tư hơn vào sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà mua hàng. Các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về tận HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, công ty cam kết sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Theo đại diện của sàn thương mại điện tử Postmart (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post), với các sản phẩm rau quả nói chung, thị trường quốc tế đang có nhu cầu rất lớn cho cả sản phẩm tươi cũng như sản phẩm chế biến sâu do đặc thù mùa đông khắc nghiệt và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đại diện Postmart cho biết, câu chuyện chất lượng là một vấn đề rất lớn đối với sản phẩm xuất khẩu. Các thị trường quốc tế đang tăng chỉ tiêu chất lượng với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Để có thể chủ động đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm, đại diện sàn thương mại điện tử Postmart mong muốn được kết nối và đồng hành với các địa phương có vùng trồng nông sản theo tiêu chuẩn xuất khẩu và cùng nhau phát triển một cách bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, chúng ta phải làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ket-noi-tieu-thu-rau-vu-dong-121841.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.