![]() | Tận dụng cơ hội cơ cấu lại lao động sau dịch COVID-19 |
![]() | Doanh nghiệp “trải thảm” đón người lao động trở lại |
![]() | Người lao động vẫn chưa an cư lạc nghiệp |
Số liệu thống kê từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay, đại dịch Covid-19 đã tác động đến 9,1 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021, tăng dần lên 12,2 triệu người trong quý II/2021, tính riêng trong quý III/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người chịu ảnh hưởng.
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
![]() |
Công tác phòng chống dịch là rất cần thiết tại các KCN |
Tiền lương thu nhập giảm, lương bình quân của người lao động giảm còn 5,2 triệu đồng/lao động, đã giảm 877.000 đồng so với quý II/2021 và giảm 603.000 so với 2020. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ thiếu việc làm trong quý III là 4,46%, tương đương hơn 1,8 triệu người tăng 1,86% so với quý trước. Trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quý trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước.
Sau thời gian “đóng băng” vì giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp, nhà máy lên kế hoạch khôi phục sản xuất nhưng lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân do một số lượng lớn người lao động đã đi về quê nhà trước đó.
Cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước thông tin, 64 doanh nghiệp trên địa bàn đã thông báo đang có nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Trong đó, riêng tại 35 doanh nghiệp đóng trong các khu công nghiệp cần tuyển 18.300 lao động. Để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức lương, thưởng khá hấp dẫn như mức lương cơ bản 7 triệu/tháng cộng thêm các khoản thưởng chuyên cần, thâm niên, lễ, tết, đi lại, con nhỏ... Như vậy, 1 tháng trung bình 1 lao động bình thường sẽ có thu nhập từ 11 đến 12 triệu đồng.
Nhu cầu lao động tăng cao, do đó hầu hết các doanh nghiệp đều có nhiều ưu đãi ngoài lương, đại diện Sở LĐ-TB&XH Bình Phước lý giải.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ, nền kinh tế đang dần phục hồi sản xuất trong bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm. Doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất nếu có đủ số lao động, nhất là các ngành như: da giày, dệt may, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ… Một tín hiệu đáng mừng là có 50-80% khu chế xuất phía Nam đã khôi phục sản xuất với số lao động trở lại làm việc đạt từ 70-75%.
Để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước.
Ở tầm vĩ mô, trước hết và trên hết phải đảm bảo các giải pháp về phòng chống Covid, theo đó, cần bao phủ vaccine nhanh chóng, cân bằng giữa các khu vực, tạo sự yên tâm cho người lao động quay trở lại nhà máy, công xưởng để làm việc. Trên tinh thần đó, cần có chính sách khuyến khích lao động quay lại sản xuất, quay lại các trung tâm công nghiệp, khỏa lấp sự thiếu hụt. Cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động và kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn và tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống. Song song với đó, triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Cùng với đó, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp, phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi phát triển kinh tế.
Về lâu về dài, cả các doanh nghiệp, địa phương phải chung tay giải quyết nơi ăn, chốn ở và sinh kế cho người lao động vì có “an cư” mới “lạc nghiệp”, khi coi nơi làm việc như quê hương thứ hai, chắc chắn người lao động sẽ an tâm gắn bó lâu dài, bền vững hơn.
Với doanh nghiệp, bên cạnh việc tạo lập một môi trường làm việc an toàn, chính sách thu hút lao động như chính sách ưu đãi về tiền lương, tiền thưởng, chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ thuê trọ, tiền điện nước, giữ trẻ, phương tiện đi lại... thậm chí, cả chế độ lương, thưởng hấp dẫn… để thu hút lao động cũ quay trở lại làm việc. Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua lãi suất 0% để doanh nghiệp trả lương lao động, vay tín dụng khôi phục sản xuất…
Trước thực trạng dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, về các tỉnh, làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số vùng, ngành, lĩnh vực, các chuyên gia kiến nghị xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau, tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành miền Đông Nam bộ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cac-doanh-nghiep-chay-dua-hut-lao-dong-121762.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.