Cộng hưởng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi mau lẹ những ngành nghề, phương thức và hành vi kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành trật tự kinh tế mới với những nguyên tắc, nguyên lý và lực đẩy mới.
![]() |
Thách thức từ các mối đe dọa phi truyền thống
Chia sẻ tại chương trình: “Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam”, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh mới, bên cạnh việc triển khai các giải pháp tình thế trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần một chiến lược lâu dài để chủ động ứng phó với các biến đổi khó lường, duy trì sự ổn định và phát triển.
Nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm dữ liệu để nhận diện các cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới dưới tác động của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã phân tích những các mối đe dọa phi truyền thống hiện nay.
Đầu tiên, quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới và sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều ở mọi quốc gia, lĩnh vực và sẽ tùy thuộc vào những diễn biến tiếp theo của đại dịch và cả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; vào quy mô và mức độ tác hại của chúng gây ra; tiềm lực và khả năng điều hành của mỗi quốc gia; sự đồng thuận và cả văn hóa ứng xử của mỗi dân tộc cũng như diễn biến của quan hệ quốc tế nói chung và trong công cuộc đối phó với những mối đe dọa chung nói riêng.
Thứ hai, tuy chưa bùng phát khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu song không thể loại trừ mối đe dọa này nếu tính rằng thế giới đã buộc phải tung ra một lượng tiền khổng lồ để ứng phó với chúng, kèm theo các gói cứu trợ kinh tế - xã hội ước tính lên tới hàng trăm ngàn tỷ USD.
Hơn nữa, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với hai xu hướng trái chiều nhau: trong khi một số sản phẩm, nổi lên là nhiên liệu và năng lượng, tăng giá tạo nên nguy cơ lạm phát lớn thì lại xuất hiện những biểu hiện đình trệ do cầu giảm vì thu nhập của của phần lớn các tầng lớp dân cư giảm đáng kể.
Thứ ba, bên cạnh những khó khăn về kinh tế, thế giới sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất ổn về xã hội không kém phần nghiêm trọng, như công ăn việc làm, nạn đói nghèo, di dân, thất học, sức khỏe tinh thần…
Thứ tư, rơi vào đúng thời điểm Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các mối đe dọa phi truyền thống nói trên sẽ càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cả lao động cũng như lối sinh sống, làm ăn, học hành theo hướng kinh tế số và kinh tế xanh gia tăng mạnh mẽ…
Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến quá trình hình thành một nền kinh tế mới, một lối sống, một phương thức làm ăn lẫn quản lý xã hội và cả phương thức chiến tranh mới.
Cuối cùng là việc chủ nghĩa đa phương sống lại, mà những sự kiện lớn vừa diễn ra như G-20, COP-26, APEC… là những biểu hiện. Các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sẽ từng bước được nối lại với những sự điều chỉnh tùy theo lợi thế so sánh mới và sự tập hợp lực lượng mới.
Chuyển đổi số là vaccine của doanh nghiệp
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, dịch bệnh đã khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn câu đứt gãy, thị trường thế giới biến đổi khó lường, vì vậy cần phải thay đổi.
Thách thức lớn nhưng cơ hội vẫn có. Cần phải coi chuyển đổi số như vaccine của các doanh nghiệp, đề nghị về Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng nền tảng kỹ thuật số để cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.
Các nhà quản trị doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn là rất quan trọng và cần đi đầu trong phát triển, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động kết nối với các tập đoàn lớn khi chuyển đổi số.
![]() |
Theo nhiều chuyên gia, chuyển đổi số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, phải tìm kiếm các mô hình đã thành công, điển hình như mô hình của Samsung và cần nhân rộng mô hình này. Ngoài ra, chuyển đổi số doanh nghiệp cần gắn với xã hội số để cộng đồng dân cư có thể tham gia.
Đồng tình với GS.TSKH. Nguyễn Mại, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, cũng cho rằng hiện nay, do tác động của đại dịch, các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm - dịch vụ mới trên nền tảng số xuất hiện nhiều hơn; gia tăng đầu tư cho các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh đầu tư công là cơ hội cho các ngành xây dựng, bất động sản…
Đề cập tới tác động của dịch Covid-19 đến các ngành kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 8 xu hướng thay đổi kinh tế quốc tế trong và sau đại dịch gồm: Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thay đổi; phục hồi phát triển kinh tế xanh; tốc độ phục hồi không đồng đều, biến đổi khí hậu nhanh hơn, được quan tâm hơn; cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng qua các gói hỗ trợ, định hướng, hợp tác quốc tế; xúc tác chuyển đổi số; thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ.
“Dịch Covid-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức làm việc và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, những doanh nghiệp nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Theo ông Lực, để phục hồi nhanh sau đại dịch, doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R (Respond-Recover-Restructure-Reinvent-Resilience) gồm: Thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và tăng sức đề kháng.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, cho rằng sau gần 2 năm, đặc biệt là làn sóng thứ 4 kéo dài hơn 4 tháng, đại dịch đã để lại hậu quả lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, rồi sau đó là sự gián đoạn của chuỗi lao động cùng với chi phí đầu vào liên tục tăng trong lúc doanh thu sụt giảm, sản xuất ngưng trệ đã như những cơn sóng dữ dội trùm qua ngưỡng chịu đựng của hầu hết các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Theo bà Thanh, trong điều kiện bình thường, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng được xây dựng trên nền tảng hoạt động kinh doanh liên tục. Điều này đảm bảo cho khi có bất kỳ sự đứt gãy, gián đoạn nào diễn ra trong khủng hoảng, thì khả năng nối lại sự đứt gãy đó là nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Khi Covid-19 xảy ra, thứ trọng yếu nhất cần triển khai là kích hoạt kế hoạch quản trị khủng hoảng cùng với kế hoạch kinh doanh liên tục, sau đó là kế hoạch khôi phục sau sự cố.
Để sống chung một cách thích ứng, an toàn và hiệu quả trong điều kiện mới ba Thanh đưa ra 6 nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ: Đặt nền móng, bảo toàn và thúc đẩy doanh thu, giảm và quản lý chặt chẽ chi phí, tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số; quản lý các mong muốn.
Từ 6 nguyên tắc này, doanh nghiệp có thể tập trung vận dụng linh hoạt để tìm cơ hội trong thách thức để lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ các nhà lãnh đạo kiên tâm với những hành động chủ chốt trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn phục hồi và tái sản xuất để phát triển trở lại; đồng thời không ngừng củng cố sự tín nhiệm của các bên liên quan để tạo bệ đỡ vững chắc hơn cho sự phát triển lâu dài.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguy-co-va-chien-luoc-phu-hop-dat-ra-cho-doanh-nghiep-121731.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.