Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam đã khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông, băng thông rộng đã kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh… đang được thúc đẩy phát triển, bắt nhịp các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế. Đơn cử như hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Internet vạn vật (IoT), thành phố thông minh…
![]() |
Ảnh minh họa |
Việc tiếp cận dịch vụ băng thông rộng ở khu vực nông thôn miền núi còn hạn chế, hạ tầng vật lý chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh. Hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm triển khai, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ…
Chỉ ra những hạn chế của hạ tầng số Việt Nam hiện nay, đại diện đến từ Viettel cho rằng, việc sử dụng hạ tầng số chưa tối ưu, các tổ chức đang tự xây dựng là chính, không có sự chia sẻ giữa các tổ chức, doanh nghiệp.
Nguồn nhân sự cho hạ tầng số chưa đảm bảo. Tiêu chuẩn để xây dựng hạ tầng số ở các bộ, ngành, địa phương chưa tuân theo những tiêu chuẩn rõ ràng. Tỷ lệ dự phòng để đảm bảo an toàn công nghệ thông tin chưa tốt. Trong khi đó, tại các nước phát triển, đã có chiến lược rất rõ để phát triển hạ tầng số. Đơn cử như Pháp có Chiến lược quốc gia về điện toán đám mây; Anh, Mỹ phát triển đám mây chính phủ; Ấn Độ triển khai hệ thống băng thông rộng cho nông thôn; Malaysia có Chiến lược Quốc gia về IoT…
Ông Phan Hồng Tâm - Giám đốc hạ tầng, FPT Smart Cloud chia sẻ, hiện các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số, đơn cử như thiếu hụt chiến lược chuyển đổi số, khách hàng chưa nhận thức được lợi ích hay thiếu nhân lực, cơ sở dữ liệu rời rạc, chưa được tập trung, quy trình kinh doanh vẫn theo mô hình cũ. Điện toán đám mây sẽ là lời giải cho những thách thức này của doanh nghiệp.
Nêu ra 4 lợi ích của điện toán đám mây, ông Tâm cho biết, nếu doanh nghiệp triển khai hạ tầng truyền thống có thể mất 3-6 tháng thì với điện toán đám mây, chỉ cần vài ngày, vài giờ để triển khai. Bên cạnh đó, thay vì phải đầu tư một hạ tầng lớn, thì giờ đây với điện toán đám mây, doanh nghiệp dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, từ đó sẽ tiết kiệm được chi phí, tập trung nguồn vốn cho mục tiêu kinh doanh khác.
Điện toán đám mây cũng có cơ sở hạ tầng, mô hình thông minh để tổng hợp dữ liệu đang rời rạc của doanh nghiệp thành tập trung và từ đó sẽ có lời giải cho các bài toán kinh doanh mới. Thực tế đã có nhiều mô hình chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp dựa trên điện toán đám mây. Như nhiều chuỗi siêu thị có hàng trăm cửa hàng đã vận hành một cách tối ưu trong giai đoạn dịch bệnh.
Đồng quan điểm, đại diện Viettel cho biết, một trong 4 quan điểm khi xây dựng hạ tầng số mà doanh nghiệp hướng tới đó là mô hình điện toán đám mây. Theo đó, tập trung dữ liệu theo mô hình điện toán đám mây là tiêu chuẩn, không chỉ khuyến khích như hiện nay.
Ngoài ra, một số sáng kiến khác như khuyến khích các tổ chức đầu tư hạ tầng số. Lựa chọn các doanh nghiệp triển khai hạ tầng số quan trọng, cần giao cho các doanh nghiệp nhà nước lớn có uy tín, kinh nghiệm, nguồn nhân lực thực hiện. Mặt khác, cần xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số.
Ngoài ra, theo ông Tâm, cần có chiến lược quốc gia phát triển điện toán đám mây. Hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, chính sách để phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách với các nước trên thế giới. Về phía doanh nghiệp cần tập trung phát triển nguồn nhân lực của mình để sẵn sàng tiệm cận với các công nghệ mới.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, để có thể áp dụng công nghệ thúc đẩy kinh tế số thì vấn đề chính sách luôn là then chốt. Chính sách giúp đưa công nghệ vào cuộc sống nhanh hơn.
Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về hạ tầng số, hiện chúng ta đang đứng thứ 56.
Để đạt được mục tiêu này, tới đây, bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc sửa đổi Luật Viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện, Luật Công nghiệp công nghệ số, để phù hợp với sự phát triển công nghệ mới như 5G, 6G trong tương lai và các công nghệ số mới, đáp ứng và thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển. Tăng cường thúc đẩy, phổ biến chữ ký số cá nhân, xây dựng cơ chế chính sách phát triển Iot, dữ liệu lớn…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-trien-ha-tang-so-hien-dai-tien-gan-hon-voi-xa-hoi-so-121611.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.