Đa dạng khoản vay khuyến khích tiêu dùng

Hiện nhu cầu tiêu dùng đang tăng trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát và các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm giảm thu nhập của người dân. Thấu hiểu điều đó, các công ty tài chính đang tập trung cho vay tiêu dùng tín chấp để hỗ trợ người tiêu dùng qua hình thức trả góp mua sắm hàng hóa dịch vụ…

Chị Nguyễn Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, chị bắt đầu đi làm lại từ tháng 10, nhưng hai con vẫn đang học online nên phải mua thêm một chiếc máy laptop trả góp. Theo đó, máy laptop HP tại cửa hàng điện máy niêm yết giá 14,99 triệu đồng, trả trước 30%, Công ty tài chính Home Credit sẽ cho vay trả góp mỗi tháng 1.376.000 đồng trong 8 tháng với lãi suất 0%. Sau khi cộng thêm mỗi tháng 11.000 đồng phí thu hộ, 52.000 đồng phí bảo hiểm, tổng chi phí chiếc laptop HP có giá 15.507.000 đồng, chỉ cao hơn 508.000 đồng so với mua trả tiền ngay từ đầu.

da dang khoan vay khuyen khich tieu dung
Ảnh minh họa

Những người tiêu dùng ở đô thị thạo quản lý tài chính cá nhân như chị Hà sẽ chọn phương thức mua trả góp để giảm bớt áp lực tài chính, nhất là với những đồ dùng có giá trị lớn.

Hiện nhu cầu tiêu dùng đang tăng trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát và các địa phương dần nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh đã làm giảm thu nhập của người dân. Thấu hiểu điều đó, các công ty tài chính đang tập trung cho vay tiêu dùng tín chấp để hỗ trợ người tiêu dùng qua hình thức trả góp mua sắm hàng hóa dịch vụ… Theo đó, mỗi công ty tài chính thường chọn một số nhãn hàng và nhà bán lẻ liên kết chia sẻ lợi ích để tạo ra lãi suất 0% trong một thời gian nhất định để hỗ trợ người tiêu dùng.

Trong khi HDSaison đang triển khai cho vay tiền mặt đối với người làm ngành giáo dục với lãi suất ưu đãi từ 0,88%/tháng, khoản vay cấp tối đa 100 triệu đồng, kỳ hạn vay không quá 24 tháng. Còn Công ty tài chính Shinhan Finance đang có gói vay lãi suất từ 18%/năm đối với các kỳ hạn 12 và 48 tháng đối với hạn mức cho vay từ 10 triệu đồng…

Theo FE Credit, bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân càng tăng cao, những khoản vay từ công ty tài chính sẽ giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tạo động lực tài chính để họ sớm khôi phục cuộc sống. Nhằm tiết giảm chi phí để có nguồn hỗ trợ người tiêu dùng, công ty này đang hướng tới số hóa các quy trình cho vay, đồng thời liên kết với các đối tác để đa dạng hóa kênh thanh toán trực tuyến cho khách hàng như: ví điện tử ZaloPay, Momo, SmartPay, Viettelpay, ShopeePay... Việc làm này cũng gia tăng trải nghiệm và mang đến sự thuận tiện nhất trong giao dịch cho khách hàng, cũng như hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin và hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Theo các chuyên gia tài chính, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã tác động nặng nề đến thu nhập của người lao động và công ty tài chính là một trong những đòn bẩy tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Với một thị trường tiêu dùng xấp xỉ 100 triệu dân, tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình chiếm tới khoảng 80% GDP của Việt Nam, việc thúc đẩy tiêu dùng sẽ là động lực để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Các khoản vay tín chấp hoặc cho vay trả góp mua sắm hàng hóa dịch vụ tại các công ty tài chính hướng tới phân khúc người lao động có thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp, là những đối tượng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Hiện lãi suất cho vay tại các công ty tài chính có cao hơn so với các ngân hàng, song theo các chuyên gia, đó cũng là điều dễ hiểu. Thứ nhất, nguồn vốn cho vay của các công ty tài chính chủ yếu từ phát hành giấy tờ có giá hoặc vốn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài với chi phí cao. Bên cạnh đó, so với vay có tài sản đảm bảo, vay tiêu dùng tín chấp luôn chứa đựng rủi ro cao, vì vậy lãi suất cho vay cũng sẽ cao hơn để bù đắp rủi ro.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, các công ty tài chính cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tiết giảm tối đa chi phí hoạt động; đồng thời đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa các nguồn lực, để từ đó giảm chi phí vốn, giảm lãi suất cho vay. Khi lãi suất giảm sẽ giúp các công ty tài chính thu hút được nhiều khách hàng hơn để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận.

NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi các TCTD xem xét giảm lãi suất cho vay để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm cuối năm. Ngoài ra, các tổ chức cũng được yêu cầu giảm lãi suất các khoản vay cũ, do khoản vay tiêu dùng tín chấp chủ yếu ngắn hạn.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/da-dang-khoan-vay-khuyen-khich-tieu-dung-121595.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.