Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp ngành sản xuất đang gặp nhiều khó khăn vì giá nguyên liệu tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn trong bối cảnh chuỗi logistics đứt gãy kéo dài do dịch bệnh… Chính vì vậy, cần có một chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên phụ liệu với các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giúp doanh nghiệp chủ động được “đầu vào” phát triển sản xuất.
Theo Bộ Công thương, tính chung 10 tháng đầu năm nay, cả nước nhập siêu ước 1,45 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, như lý giải của Bộ Công thương là do kinh tế thế giới phục hồi nên nhu cầu tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp trong nước đã tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất. Hầu hết các ngành công nghiệp trong nước đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
![]() |
Cần sớm hình thành chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu |
Đơn cử, dù ngành nhựa trong giai đoạn 2010 – 2020 là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam, tuy nhiên ngành này vẫn chỉ được biết đến như là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo. Ngành nhựa vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào với 75 - 80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phải nhập khẩu, mà các thị trường chính là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Hiện giá nguyên liệu nhựa đã tăng từ 20%-300% (tùy loại) so với năm 2019. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến hoạt động sản xuất của các nhà máy trên thế giới gián đoạn, nhiều hãng tàu biển phải ngừng hoạt động... dẫn tới nguồn nguyên liệu khan hiếm, tăng giá…
Ngành dệt may, da giày cũng rơi vào tình trạng tương tự, kim ngạch nhập khẩu của ngành này là 19,6 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Với ngành gỗ, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 quy tròn gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhìn nhận trong thời gian khoảng 1 năm tới, luồng cung gỗ ôn đới từ châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, không chỉ do đại dịch Covid-19 mà còn do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này.
Để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, trước hết, theo các chuyên gia, cần cả giải pháp ngắn hạn và dài hơi. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần minh bạch danh sách và dữ liệu các doanh nghiệp đang xuất khẩu nguyên liệu sản xuất. Điều này đã được chính quyền tỉnh Đồng Nai khuyến khích khi kết nối giữa doanh nghiệp FDI với nhau và với doanh nghiệp nội trong tỉnh để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau. Qua đó giúp nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để khi xuất khẩu dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do, và cũng để giảm nhập siêu và tăng xuất siêu. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp FDI ở tỉnh Đồng Nai đã thực hiện chiến lược mở rộng thị trường nội địa thay vì chỉ phục vụ xuất khẩu. Một số doanh nghiệp FDI đang chủ động tìm nguồn nguyên phụ liệu ở Việt Nam thay vì nhập khẩu và mở rộng kênh tiêu thụ ngay thị trường nội địa. Trong vòng 10 tháng qua, hơn 36% sản lượng hàng hoá của khối này đã tiêu thụ ngay tại thị trường Việt Nam, tương đương hơn 6,5 tỷ USD, tăng gần 7% so cùng kỳ năm trước.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đều là nguyên liệu mà các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần. Ông Giang cũng nhìn nhận, nếu các doanh nghiệp trong nước kết nối cung ứng khép kín thị trường trong nước sẽ giúp loại bỏ nguy cơ thiếu hoặc phải mua nguyên liệu nhập với giá cao, rút ngắn thời gian vận chuyển; đặc biệt, giảm rủi ro gián đoạn sản xuất do sự đứt gãy chuỗi logistics toàn cầu hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng chiến lược tìm nguồn cung nguyên phụ liệu ngay tại Việt Nam và mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa như các doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai đang làm là điều mà các doanh nghiệp trong nước cần áp dụng. Sử dụng được nguồn nguyên liệu trong nước, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong sản xuất; cùng với đó, giúp doanh nghiệp Việt giảm được chi phí với nguồn cung ngay trên “sân nhà” thay vì loay hoay với nhập khẩu.
Về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, cần sớm hình thành chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Theo đó, tập trung rà soát, chọn lọc những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu có kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức 200 triệu USD/năm trở lên, hỗ trợ các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất và cung ứng nguyên liệu. Cùng với đó, liên kết họ trong cùng một hệ sinh thái nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, duy trì sản xuất bền vững.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xay-dung-nguon-nguyen-phu-lieu-tai-cho-121522.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.