Sau thời gian chuẩn bị, từ đầu tháng 11/2021, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Quảng Nam) thực hiện chương trình thuyết minh trực tuyến giới thiệu về "Mỹ Sơn - Vùng đất của những câu chuyện", bao gồm 4 chủ đề theo dòng lịch sử của những ngôi tháp nơi vùng đất huyền thoại Mỹ Sơn. Chương trình trực tuyến đầu tiên diễn ra vào ngày 6/11 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn với chủ đề "Những thông tin cần thiết nhất và trải nghiệm tham quan". Các chủ đề tiếp theo lần lượt sẽ được tổ chức: "Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn - Tham quan bảo tàng Mỹ Sơn" (21/11); "Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn - Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển Khu đền tháp Mỹ Sơn" (4/12); "Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn - Lịch sử hình thành khu tháp A, quá trình trước và sau khi trùng tu nhóm tháp A của các chuyên gia Ấn Độ" (18/12). Tất cả các chương trình được phát trực tiếp tại fanpage: https://www.facebook.com/MySondisanvanhoa.
Tương tự, để phục vụ du khách trong thời gian trùng tu điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành quét 3D toàn bộ hiện trạng di tích này trước khi hạ giải trùng tu. Các dữ liệu này được xây dựng thành web tương tác VR Tour - chuyến du lịch thực tế ảo phục vụ khách tham quan. Được xây dựng vào năm 1805, điện Thái Hòa - nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế. Trong thời gian này, du khách có thể tham quan ngôi điện này bằng công nghệ thực tế ảo.
![]() |
Ảnh minh họa |
Áp dụng công nghệ số sớm hơn, ngay từ cuối tháng 9/2020, Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng đã đưa vào thí điểm trải nghiệm Scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trải nghiệm Scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bước thí điểm để ngành du lịch thành phố này triển khai hệ thống du lịch ảo cho các điểm đến tại Đà Nẵng trên công nghệ thực tế VR360 và scan3D.
Du khách có thể dễ dàng trải nghiệm không gian 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng dù đang ở bất kỳ nơi đâu. Tham quan không gian đa chiều bằng cảm nhận thực tế, hình ảnh 360 độ sắc nét đem đến cho người xem sự hài lòng về thị giác cũng như thúc đẩy mong muốn khám phá, sử dụng dịch vụ ngoài đời thực. Chỉ với 1 cú nhấp chuột sẽ đưa du khách vào 1 không gian thực tế sống động để khám phá Bảo tàng Điêu khắc Chăm với 3 chế độ xem, góc nhìn 3D đa chiều xoay 360 độ tại 4 phòng trưng bày bao gồm: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương và Tháp Mẫm sẽ hiện ra ngay trước mắt. Cùng các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết, cho phép người dùng có thể chủ động tương tác trực tiếp với không gian không giới hạn và di chuyển trong không gian đến bất cứ điểm nào cho cảm nhận như đang thực sự đứng ở đó.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã khiến các bảo tàng, di sản trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết, nhưng cũng đồng thời mở ra cánh cửa mới để biến “nguy” thành “cơ” và chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong thời đại công nghệ 4.0. Thực tế đó buộc các bảo tàng phải tìm hướng đi phù hợp tình hình mới, đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong trưng bày, đưa tư liệu, hiện vật đến gần hơn với người xem. Từ những bước đi khởi đầu mạnh dạn kể trên, hy vọng hệ thống bảo tàng, di sản sẽ nhanh chóng chuyển mình.
Mới đây, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Hội thảo trực tuyến với chủ đề "Công nghệ số kết nối Bảo tàng với công chúng". Hội thảo đã cập nhật thông tin, chia sẻ những hiệu quả thực tiễn mà công nghệ số mang lại đối với hoạt động bảo tồn và giáo dục di sản văn hóa tại các bảo tàng ở Việt Nam. Đồng thời là nơi để các bảo tàng, nhà nghiên cứu, các học giả... trong nước chia sẻ và trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo tồn và di sản văn hóa. Hội thảo cũng đã khẳng định. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tăng cường kết nối bảo tàng, di sản với công chúng nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị di sản bằng hình thức trực tuyến hiện nay không còn là giải pháp tình thế mà là xu hướng tất yếu.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dua-bao-tang-di-san-den-voi-cong-chung-121456.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.