![]() | Nhà vườn “khóc ròng” vì trái cây bí đầu ra |
![]() | Kết nối nông sản các địa phương tới Hà Nội |
![]() | Mở đường cho nông sản Việt vào thị trường EU |
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội dài ngày để phòng chống dịch, dẫn đến hoạt động vận chuyển bị đứt gãy, tiêu thụ hàng hóa lại càng khó hơn.
Tăng cường liên kết
Những yếu tố tiêu cực đã khiến nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân khu vực Tây Nguyên giảm giá sâu do thương lái ít thu mua. Thậm chí, một số mặt hàng còn ứ đọng, không bán được. Những yếu tố này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các nông hộ.
Đứng trước bối cảnh này, thời gian qua, chính quyền các tỉnh khu vực Tây Nguyên triển khai quyết liệt các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản tại các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, liên kết giữa các địa phương. Nhờ thế đến nay, gần như toàn bộ nông sản trên địa bàn cơ bản tìm được đầu ra...
![]() |
Nhờ chủ động liên kết tiêu thụ nông sản, người nông dân giảm thiểu rủi ro trong đại dịch Covid-19 |
Tại Đăk Lăk, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trái cây, cà phê, hồ tiêu, rau xanh...
Tỉnh cũng có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương về hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương, trong đó chủ yếu là bơ và sầu riêng. Đồng thời, chỉ đạo các ngành công thương, nông nghiệp vào cuộc hỗ trợ kết nối giao thương với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc; sàn thương mại điện tử; các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài địa phương… Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay, Đăk Lăk đã tiêu thụ phần lớn sản lượng sầu riêng và bơ của bà con nông dân.
UBND tỉnh Đăk Lăk cũng chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, thương lái và phương tiện vận chuyển nông sản.
Các ngành chức năng của Đăk Lăk đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua UBND các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai… và các kênh phân phối hiện đại như hệ thống Co.opmart, Big C, MM Mega, Bách Hóa Xanh... Cùng với đó, chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản trái cây lên Gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Nông sản tồn đọng không đáng kể
Cùng với việc đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, chính quyền Đăk Lăk cũng chỉ đạo các ngành chức năng rà soát các kho cấp đông trên địa bàn, để giới thiệu cho các DN thu mua nông sản, hợp đồng thuê kho dự trữ tạm thời, chờ khi thuận lợi cung cấp ra thị trường tiêu thụ. Chính sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời này đã giúp bà con nông dân bán được các mặt hàng nông sản, giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng dịch bệnh.
Tương tự, tỉnh Gia Lai là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, sắn, mía, lúa, trái cây và rau các loại. Hiện tỉnh có nhiều loại cây trồng đang vào vụ thu hoạch chính. Trong đó, có 578ha rau các loại với sản lượng dự kiến khoảng 8.315 tấn; 49.000ha lúa với sản lượng hơn 200.000 tấn; 24.433ha bắp với sản lượng 122.163 tấn; 12.847ha đậu đỗ các loại với sản lượng 10.470 tấn; 995ha khoai lang với sản lượng 10.309 tấn. Ngoài ra, Gia Lai còn có hàng ngàn hecta cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chanh dây, chuối, thanh long... cũng cho thu hoạch từ nay đến cuối năm 2021.
Những tháng qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sản phẩm nông nghiệp của địa phương gặp khó đối với đầu ra, do đình trệ hoạt động vận chuyển. Trong bối cảnh này, để giúp người dân tiêu thụ nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các sàn thương mại điện tử như Ocop, Postmart, Voso..., doanh nghiệp chế biến, hợp tác xã đề nghị hỗ trợ tiêu thụ. Nhất là đối với các sản phẩm đang tồn đọng, nhưng không để được lâu như bơ, bí xanh, bí đao, rau ngót, chanh...
Nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại, hầu hết nông sản trong vụ thu hoạch này của bà con nông dân tỉnh Gia Lai đều được tiêu thụ. Đối với mặt hàng rau củ quả xuất bán đi miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, sản lượng tiêu thụ tăng nhiều so với những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19. Hiện mỗi ngày có hàng chục chuyến xe tải chở rau củ quả đi miền Trung với sản lượng trên 250 tấn và khoảng 4-5 xe tải chở rau củ quả đi Kon Tum, Đăk Lăk, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương với sản lượng 120-150 tấn. Giá rau củ quả hiện tăng gấp 3-4 lần so với trước. Đối với các mặt hàng trái cây giá cũng tăng trở lại như sầu riêng đang có giá bán 50-55 ngàn đồng/kg, bơ 10-20 ngàn đồng/kg, mít 10-15 ngàn đồng/kg, na dai 30-33 ngàn đồng/kg, chanh dây 15-16 ngàn đồng/kg… nên người dân rất phấn khởi.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai tiếp tục kết nối, huy động toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị vào cuộc thu mua hết nông sản tươi sống cho người dân. Đặc biệt, đối với các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tích cực thu mua.
Ngoài ra, đối với nông sản khô như cà phê, hồ tiêu… khuyến khích áp dụng các biện pháp lưu kho chờ qua dịch để xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu. Đặc biệt, đối với nông sản tươi sống, ngành chức năng tiếp tục rà soát, nắm bắt sản lượng để kết nối đưa thông tin lên sàn thương mại điện tử. Tiếp tục kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, hợp tác xã để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên kết nối giữa các nhà sản xuất với doanh nghiệp, chợ đầu mối thu mua nông sản và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, tổ sản xuất ở các tỉnh, tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Tổ công tác 970 đã trực tiếp liên hệ với các địa phương để nắm bắt tình hình sản xuất, thu hoạch, sản lượng, vận chuyển của từng loại nông sản, từ đó kết nối việc tiêu thụ giữa các địa phương với doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản tại các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử, kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ nông sản trên địa bàn đã cơ bản được tiêu thụ, tồn đọng không nhiều...
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-noi-lien-chuoi-tieu-thu-nong-san-121361.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.