Người lưu dấu nét xưa Đà Lạt

Vi Quốc Hiệp đã vẽ hàng trăm bức tranh về biệt thự cổ, đã tổ chức triểm lãm tranh với chủ đề này, nhằm góp thêm tiếng nói với các cơ quan bảo tồn văn hóa rằng cần thiết lắm phải giữ lại, phải bảo tồn những tòa biệt thự cổ kính rêu phong không chỉ cho người Đà Lạt mà còn cho du khách muôn nơi, cho văn hóa của vùng đất này.

Đến Đà Lạt - thành phố ngàn hoa, hỏi họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhiều người lập tức chỉ đường thậm chí cho số điện thoại. Ông không phải là người nổi tiếng nhất ở xứ này, nhưng là một họa sĩ gần gũi, hay cười. Ông được nhiều người biết bởi đã gắn bó với mảnh đất này và vẽ rất nhiều tranh về rừng thông và biệt thự cổ Đà Lạt. Những dấu xưa ấy, nhiều chỗ giờ đã biến mất bởi tốc độ đô thị hóa của Đà Lạt.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948, tại Lạng Sơn, là người dân tộc Tày. Năm 1960, khi đó 12 tuổi, Quốc Hiệp là thí sinh con em dân tộc ít người duy nhất trúng tuyển vào hệ trung học dài hạn Trường Mỹ thuật Việt Nam. Sau 7 năm học, Vi Quốc Hiệp tốt nghiệp trung cấp hạng ưu, được chuyển tiếp Đại học Mỹ thuật.

nguoi luu dau net xua da lat
Sắc thu Đà Lạt trong tranh của Vi Quốc Hiệp

Họa sĩ nhớ lại, năm 1971, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phân công về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa) Hà Giang.

Sau đó, ông quay về Thái Nguyên chừng 2 năm, rồi đến năm 1978, Vi Quốc Hiệp nhận công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin Lâm Đồng. Và khi đến với xứ ngàn thông, ngàn hoa này, chàng trai Tày xứ Lạng đã “phải lòng”. Ông lập gia đình ở Đà Lạt và gắn bó từ đó đến nay.

Dù sống ở đâu, Vi Quốc Hiệp vẫn vẽ. Điểm rất dễ nhận thấy đó là tình yêu núi, yêu rừng, yêu cỏ cây xung quanh. Tất cả những thiên nhiên hoang sơ và lộng lấy ấy đã hiện ra trong những bức tranh ông vẽ, trong đó có nhiều tác phẩm kích thước lớn.

Đến nay, họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã có hơn 20 cuộc triển lãm ở Đà Lạt, TP.HCM, Hà Nội. Dịp tháng 4/2021, họa sĩ cũng có cuộc bày tranh tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Trong triển lãm này, Vi Quốc Hiệp đã đem đến công chúng thủ đô hơn 100 tác phẩm hội họa về phái đẹp qua không gian triển lãm sang trọng.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng.

Sống ở Đà Lạt gần nửa thế kỷ, vì thế, không bất ngờ, họa sĩ Vi Quốc Hiệp vẽ nhiều tranh về Đà Lạt. Họa sĩ cho biết, ban đầu ông chỉ vẽ ký họa biệt thự cổ Đà Lạt. Sau đó, nhận ra cái hồn của thành phố này, ông đã đưa vào tranh sơn dầu, phấn màu… Để rồi hàng loạt tác phẩm về biệt thự cổ Đà Lạt ra đời, được đặt tên: Biệt thự cổ Đà Lạt trong sương, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thu, Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thạch thảo, Biệt thự cổ Đà Lạt đồi hoa dại... Qua tranh ông, một Đà Lạt cũ xưa hiện ra, có nắng vàng và những hàng thông kiêu hãnh khiến người ta nhung nhớ, hoài niệm.

Vi Quốc Hiệp đã vẽ hàng trăm bức tranh về biệt thự cổ, đã tổ chức triểm lãm tranh với chủ đề này, nhằm góp thêm tiếng nói với các cơ quan bảo tồn văn hóa rằng cần thiết lắm phải giữ lại, phải bảo tồn những tòa biệt thự cổ kính rêu phong không chỉ cho người Đà Lạt mà còn cho du khách muôn nơi, cho văn hóa của vùng đất này.

Cách đây ít lâu, họa sĩ Vi Quốc Hiệp còn dành thời gian vẽ bức chân dung bác sĩ Alexandre Yersin - người tìm ra Đà Lạt, từ khoảng 10.000 hạt đậu các loại. Ông tâm sự rằng, lúc đầu đã vẽ tranh sơn dầu, sau đấy thấy “không ổn” nên lại xóa đi. Rồi sau nghĩ tới hay là đắp nổi, cũng thấy chưa ưng. Đà Lạt nhiều lá cây, mà lá thông là “hồn vía”, Vi Quốc Hiệp cũng đã thử. Và thấy cũng chưa hài lòng. Cuối cùng, ông chợt nhận thấy Đà Lạt có rất nhiều loại đậu. Vậy là Vi Quốc Hiệp thử và thấy ưng. Bức tranh chân dung bác sĩ Yersin dần hiện ra, từ 9 loại hạt đậu: đậu đỏ, đậu cô ve, đậu trắng, đậu ngự… Bức tranh cao 1,5m, rộng 1,1m đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục “Bức tranh được kết bằng nhiều hạt đậu nhất”.

Vi Quốc Hiệp còn là một thi sĩ, ông đã từng viết về Đà Lạt: “Thành phố một lần mới gặp/Ta đã say bởi những triền thông/Nắng miên man, cỏ mượt đồi ảo/Chỉ một lần thôi sao đã phải lòng”. Và: “Những tháng ngày không em/Ta như phiêu bạt/Đà Lạt vào thu/Mưa buồn rơi tí tách/Những hàng thông ắng lặng hóa sương”…

Chuyện về Đà Lạt, họa sĩ Vi Quốc Hiệp có thể nói rất say sưa và thường trực trong ông là cảm giác của sự tiếc nuối: “Tôi nghĩ là Đà Lạt hiện nay bị tàn phá nhiều quá rồi. Tôi ước mơ trở lại Đà Lạt xưa, chỉ có đồi núi, thông reo, biệt thự cổ và những con đường dốc quanh co thế thì mới hấp dẫn khách du lịch. Giờ Đà Lạt phù hoa quá nhiều. Tôi không vẽ cái phù hoa đó. Tôi lược hết những phù hoa đi, tất cả những gì con người cố sức để phục vụ cuộc sống riêng tư của mình mà quên mất cái đẹp của Đà Lạt, đây là thành phố nghỉ mát, nghỉ dưỡng và tham quan hạnh phúc”.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp tâm sự: “Đà Lạt quá đẹp. Đà Lạt hiền hòa. Nó phù hợp với tính cách của tôi, là ưa cái hiền hòa, thân thiện, dễ gần. Người Đà Lạt thì sống cởi mở. Bởi vậy, tình yêu của mình với Đà Lạt là sự tự nhiên với yêu cái đẹp: sự gắn bó giữa người thích cái đẹp và cái đẹp sẵn có. Nhưng sự mai một của nhiều giá trị văn hóa trong suốt mấy chục năm qua cũng khiến mình buồn mà không thể làm gì được hơn”.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguoi-luu-dau-net-xua-da-lat-121292.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.