Sau gần 1 tháng mở cửa trong trạng thái "bình thường mới", đã có hơn 50% chợ truyền thống trên địa bàn TP. HCM hoạt động trở lại. Dù các chợ được phép mở 50% công suất trong thời gian đầu, sau đó tăng dần tùy thuộc tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhưng do sức mua yếu nên hầu hết vẫn đang hoạt động dưới ngưỡng cho phép.
![]() |
Một số ban quản lý chợ nhận định, sức mua yếu là do người dân tiết kiệm chi tiêu vì kinh tế khó khăn |
Sở Công thương TP.HCM cho biết, tính đến đầu tháng 11, trên địa bàn TP.HCM đã có 140/234 chợ truyền thống đang hoạt động. Dù chỉ mới hoạt động hơn 50% số chợ nhưng sức mua của người dân tại đây cũng chưa cao. Nhiều chợ truyền thống chỉ hoạt động chưa đến 30% công suất và người dân cũng chưa mặn mà đến chợ. Theo Ban quản lý chợ Bà Chiểu, số tiểu thương đăng ký bán trở lại có thời điểm lên 40%-50% nhưng sau đó giảm dần do sức mua yếu, hàng hóa hư hỏng, thua lỗ nên nhiều người đóng sạp.
Chợ đầu mối Hóc Môn chính thức hoạt động trở lại từ ngày 20/10 với 50% công suất, tương đương hơn 200 sạp. Đến nay, chợ tiếp nhận khoảng 500-600 tấn hàng/ngày đêm trong tổng số công suất 2.500-2.700 tấn hàng/ngày đêm. Đại diện Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, có ngày hơn 400 tấn hàng về chợ nhưng lượng giao dịch rất ít. Hầu hết thương nhân ngành hàng rau củ quả, trái cây chỉ bán được khoảng 50% lượng hàng nhưng theo hình thức tập kết, trung chuyển, không có giao dịch trực tiếp tại chợ.
Cũng như vậy, chợ đầu mối Bình Điền hoạt động trở lại vào ngày 1/11 nhưng chỉ với khoảng 30% công suất, bắt đầu từ 16 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Trong ngày đầu tiên, có khoảng 4.000 lượt người ra vào chợ, sản lượng hàng nhập chợ trong đêm đạt hơn 335 tấn hàng hóa các loại. Tuy nhiên số lượng này còn rất hạn chế vì trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, chợ đầu mối Bình Điền cung cấp đến 70% lượng thực phẩm cho người dân TP.HCM và là chợ đầu mối duy nhất tập kết, phân phối thủy hải sản từ các tỉnh, thành chuyển về TP. HCM. Mỗi ngày có hàng chục ngàn người ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác ra vào chợ.
Tình trạng sức mua yếu không chỉ diễn ra ở chợ truyền thống mà còn ở các siêu thị hiện đại. Tại các siêu thị, hầu hết nguồn cung khá dồi dào, giá đã hạ nhiệt, nhiều mặt hàng giảm sâu... Chẳng hạn, tại hệ thống siêu thị BigC Miền Đông đang giảm giá trái cây tươi, thịt cá các loại từ 21%-23%; hệ thống Mega Market Việt Nam, bưởi da xanh bán giá 37.500 đồng/kg; kiwi xanh New Zealand 108.900 đồng/kg… Một số siêu thị cam kết bình ổn giá bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng… Hàng loạt siêu thị đã ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà lên đến 50% để kích cầu nhưng sức mua vẫn yếu. Đại diện các hệ thống siêu thị lớn cũng cho biết, sau hơn 3 tuần mở cửa đón khách hàng mua bán trực tiếp, doanh số bán đang ngày càng sụt giảm từ 20%-30%, tùy nơi; dù hàng hóa các mặt hàng đang ổn định, không tăng đột biến. Nguyên nhân một phần cũng do công tác phòng chống dịch tại các siêu thị vẫn khá chặt chẽ khiến người dân e ngại khi đến mua sắm.
Một số ban quản lý chợ nhận định, sức mua yếu là do người dân tiết kiệm chi tiêu vì kinh tế khó khăn.
Hiện tại, do các chợ đều hoạt động với quy mô cầm chừng, từ 20-30% số lượng sạp nên hàng hóa không phong phú. Và điều đáng lo là dù số lượng hàng vào chợ đang ngày càng tăng lên, nhưng tại chợ truyền thống xuất hiện tình trạng thương nhân phải đưa hàng ra khỏi chợ mới bán được. Nguyên nhân, chợ tự phát xuất hiện ngày càng nhiều quanh khu vực chợ, người mua không "mặn mà" vào bên trong chợ để “né” các quy định an toàn phòng dịch.
Từ cuối tháng 10, UBND TP.Thủ Đức đã cho tất cả các chợ trên địa bàn hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trước khi được phép hoạt động trở lại, các chợ phải có phương án hoạt động phòng chống dịch an toàn và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, tuân thủ các điều kiện hoạt động như tiểu thương và khách hàng phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày, là F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng trở lại, có mã QR của các ứng dụng chỉ định… Ngoài ra, còn có những điều kiện như có lối ra, lối vào riêng tránh ùn ứ, có vách ngăn giữa các quầy hàng, giữa người bán với khách hàng, giữ khoảng cách và kiểm soát được số người ra vào chợ.
Trong nỗ lực thu hút khách hàng và để đẩy mạnh doanh số, hiện các siêu thị trên địa bàn TP.HCM đang có hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá bán kích cầu mua sắm cuối năm 2021 và đầu năm mới 2022.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/suc-mua-yeu-cho-va-sieu-thi-gap-kho-121142.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.