Chậm vì Covid và các ngân hàng chưa sẵn sàng
Các ngân hàng ở châu Âu nắm giữ gần gấp ba lần số vốn mà họ đã thực hiện trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009, thời kỳ chứng kiến nhiều chính phủ đã phải ra tay cứu trợ các nhà cho vay trước nguy cơ sụp đổ. Đây cũng là một trong những lý do khiến ngành Ngân hàng toàn cầu nhận thấy cần phải tiến tới thống nhất áp dụng các quy tắc khắt khe hơn: Xây dựng và tuân thủ Basel III.
Dự thảo luật của Ủy ban châu Âu cho thấy trong các đề xuất được đưa ra, Brussels cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng tăng vốn ở mức khiêm tốn - trung bình thấp hơn 9% vào năm 2030. Tuy nhiên các ngân hàng cho rằng, tác động sẽ lớn hơn trên thực tế và sẽ khiến họ khó khăn hơn trong hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau Covid-19. Dự luật mới sẽ được đưa ra thảo luận tại Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU, sau đó Nghị viện châu Âu và các quốc gia EU sẽ đưa ra tuyên bố cuối cùng đối với các đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc chuyển đổi sang áp dụng hiệp ước vốn ngân hàng toàn cầu Basel III, với khả năng sẽ có những “mặc cả” và điều chỉnh nhất định.
![]() |
Eu muốn chậm lại thêm 2 năm trong áp dụng các quy tắc vốn ngân hàng toàn cầu theo Basel III |
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang thực hiện một cách trung thực thỏa thuận về Basel III, đồng thời tính đến một số đặc thù của châu Âu để đảm bảo nó không dẫn đến sự gia tăng đáng kể về yêu cầu vốn”. Ủy ban châu Âu đề xuất sẽ bắt đầu thực hiện các thay đổi này từ tháng 1/2025. Ủy ban Basel gồm các nhà quản lý ngân hàng toàn cầu - cơ quan đã soạn thảo ra các quy tắc của Basel III - vào năm ngoái (2020) đã đồng ý trì hoãn áp dụng các quy tắc Basel III trong 12 tháng (tức phải đến năm 2023 mới áp dụng) do tác động của Covid-19.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Dombrovskis cho rằng, việc trì hoãn thêm là "thực tế" cần thiết khi các ngân hàng cần có thời gian để chuẩn bị hệ thống nội bộ và khôi phục tài chính từ tác động của Covid-19, trong đó EU vẫn đi trước Anh và Mỹ trong việc công bố các đề xuất. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và các ngân hàng thương mại đã kêu gọi cần có sự thống nhất toàn cầu về thời điểm áp dụng Basel III.
"Chúng tôi hoan nghênh ý định của Ủy ban châu Âu về việc kéo dài ngày thực hiện đến 1/1/2025 và đặc biệt khuyến nghị rằng, điều này phải được thống nhất trên toàn cầu để đảm bảo việc áp dụng đồng thời tất cả các đề xuất", Michael Lever, người đứng đầu bộ phận Quy định an toàn tại tổ chức vận động hành lang ngân hàng châu Âu AFME cho biết. Các ngân hàng lo ngại rằng, mặc dù có đề xuất chậm lại trong việc thực hiện Basel III như trên nhưng các nhà đầu tư có thể sẽ muốn các ngân hàng cần tuân thủ sớm hơn thay vì muộn hơn như vậy.
Đưa vào các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị
Theo Ủy ban châu Âu, các ngân hàng lớn hơn sẽ được phép tiếp tục sử dụng các mô hình của riêng họ để xác định quy mô bộ đệm vốn có lợi thế hơn so với những nhà cho vay nhỏ hơn - những ngân hàng phải sử dụng các tính toán thận trọng hơn do các cơ quan quản lý đặt ra.
Nhưng sẽ có một mức “sàn” mới về bộ đệm vốn để thiết lập các giới hạn thấp hơn đối với vốn từ các mô hình khác nhau và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 5 năm từ 2025 đến 2030. Các ngân hàng cho rằng, các mức “sàn” để tránh trùng lặp bộ đệm vốn cần do các cơ quan quản lý quốc gia áp đặt nhưng Brussels từ chối một giải pháp như vậy, lưu ý các biện pháp bảo vệ để tránh trùng lặp đã được áp dụng. Mức “sàn” có tác động đặc biệt đối với các khoản cho vay với các công ty không được xếp hạng tín nhiệm và các khoản cho vay mua nhà "rủi ro thấp" và dự kiến sẽ được giảm dần trong vòng 5 đến 8 năm.
Hướng dẫn của EU về cách các ngân hàng công bố các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng sẽ được đưa vào luật cùng với việc kiểm tra thường xuyên về mức độ căng thẳng (stress test). Hiện các ngân hàng lo ngại cơ quan quản lý sẽ áp đặt một vùng đệm vốn riêng để bù đắp những rủi ro đó. Các đề xuất của Ủy ban châu Âu cũng cố gắng “hài hòa” một loạt các quy tắc về cách thức chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài hoạt động ở EU được quản lý như thế nào, bằng cách đưa ra các phương pháp tiếp cận chung để giám sát và ủy quyền. Một số nhà băng coi đây là bước đầu tiên dẫn đến việc họ buộc phải tạo ra các “công ty con” đắt đỏ hơn trong tương lai.
Trong suốt thời gian qua, nhiều ngân hàng lớn tại châu Âu đã cố gắng vận động để trì hoãn việc áp dụng các quy định mới càng lâu càng tốt. Bởi khi các quy định theo bộ tiêu chuẩn Basel III được triển khai, các ngân hàng lớn nhất ở châu Âu sẽ phải tăng dự phòng và các gối đệm vốn. Điều này không chỉ dẫn tới phát sinh nhiều các khoản chi phí lớn hơn mà các ngân hàng cũng phải minh bạch hơn, tuân thủ cao hơn trong báo cáo đánh giá về rủi ro môi trường, xã hội trước khi có thể cấp tín dụng cho các dự án.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/eu-cam-ket-ap-dung-cac-quy-tac-von-ngan-hang-toan-cau-120946.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.