9 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp tăng trưởng 1,04%, trong đó chăn nuôi đã đạt mục tiêu và giữ đà tăng trưởng 4,2-4,5%. Đến nay, đàn lợn đạt trên 28 triệu con, gia cầm 523 triệu con và bò, trâu 8,6 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900 ngàn tấn sữa…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động... khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản nói chung và thịt lợn nói riêng giảm rõ rệt từ 30-50%. Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, nhưng lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở cửa đón khách với số lượng hạn chế do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế.
![]() |
Cần đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước |
Trong khi chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường. Từ đó dẫn đến ứ đọng trong tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi phân phối do quản lý dịch bệnh Covid-19 mỗi tỉnh một quy định gây khó khăn trong lưu thông thời gian qua. Việc cung ứng sản phẩm nông sản nói chung và thịt gia súc, gia cầm nói riêng ảnh hưởng rất lớn. Đơn cử với TP. Hồ Chí Minh, một ngày tiêu thụ 1.600 tấn thực phẩm nhưng tự sản xuất được một phần, còn lại chủ yếu nhập từ các tỉnh miền Tây. Khi các sản phẩm chăn nuôi ùn ứ, tất yếu dẫn đến giá thành giảm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.
Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm, đặc biệt từ tháng 9. Cụ thể, tháng 3, 4 giá cao nhất 70 - 75 nghìn đồng/kg. Tháng 8, 9/2021 giá còn 42 - 50 nghìn đồng/kg. Những ngày gần đây, giá lợn hơi đã tăng trở lại, dao động từ 35 – 45 nghìn đồng/kg tùy vùng. Giá lợn hơi ngày 25/10 ở Công ty C.P tăng lên 45 nghìn đồng/kg, một số tỉnh đã tăng là 46 - 49 nghìn đồng/kg. Về giá gà công nghiệp, ở Đông Nam bộ có thời điểm xuống 6.000 đồng/kg, nhưng đến nay đã trở lại mức 28 - 30 nghìn đồng/kg, giá vịt cũng tăng lên 40 - 45 nghìn đồng/kg. Dự báo giá thịt lợn hơi và gà xuất chuồng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 2 tuần tới, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh (có nguyên nhân là các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; hoạt động của các nhà hàng, khách sạn cầm chừng, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam). Trong khi nguồn cung dồi dào (không riêng mặt hàng thịt lợn mà cả các loại thực phẩm khác như thịt gà, thủy hải sản) nhờ việc các cơ sở chăn nuôi tăng đàn hoặc bị tồn đọng do thời gian trước chưa tiêu thụ hết dẫn đến quá lứa.
Đó là sự bất cập trong thực trạng hiện nay của chuỗi cung ứng thịt và giá thịt lợn thành phẩm chưa giảm tương xứng với giá lợn hơi. Giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 60 - 100 nghìn đồng/kg tại chợ và ở mức 98 - 130 nghìn đồng/kg tại siêu thị. Khảo sát thực tế ngày 26/10 tại Siêu thị VinMart, giá thịt lợn dao động trong khoảng 110 - 190 nghìn đồng/kg đối với thịt mát thương hiệu Meat Deli. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn được giao dịch tại mức từ 60 - 100 nghìn đồng/kg tùy loại.
Hiện tượng giá thịt lợn hơi giảm rất sâu trong thời gian qua, còn giá thịt lợn bán lẻ tuy cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm của thịt lợn hơi là trong cơ cấu giá thịt lợn, trung bình 100 kg lợn hơi thu được khoảng 55 - 60 kg thịt lợn thành phẩm, phần còn lại khoảng 40 - 45% trong giá thịt lợn dành cho các chi phí lao động, xét nghiệm, vận tải... có thể giữ nguyên hoặc tăng, do đó giá thịt lợn thành phẩm không giảm tương ứng như mức giảm của giá lợn hơi được. Ngoài ra, sở thích tiêu dùng của mỗi người khác nhau mà mức giá đưa ra với các loại thịt lợn cũng khác nhau theo tư duy của người bán.
Ở chiều ngược lại, cung giá bán thấp, lượng tiêu thụ giảm người chăn nuôi phải nuôi giữ trong chuồng, đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30% (tương đương khoảng 1,5 triệu con). Trong khi chi phí sản xuất phát sinh quá lớn, một bộ phận người dân, cơ sở có nguy cơ phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất… Song với đà tăng của giá lợn hơi cùng với nhu cầu tiêu dùng đang tăng trở lại và việc giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa đã thuận lợi hơn sẽ tạo động lực để người nông dân tái đàn.
Lý giải thêm về hiện tượng giá lợn giảm, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 214 nghìn tấn thịt các loại, với 112 nghìn tấn thịt lợn, giảm 50% so với 2020. Do chiếm tỷ lệ nhỏ (chỉ 3,6% sản lượng thịt heo trong nước) nên việc nhập khẩu thịt lợn không ảnh hưởng đến giá thịt lợn giảm mạnh thời gian qua.
Bộ NN&PTNT không cấp hạn ngạch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật mà toàn bộ theo cơ chế thị trường, bảo đảm tuân thủ quy định của Việt Nam, thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Thú y thế giới OIE.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, nhu cầu xã hội phục hồi thì giá cả sẽ trở lại phù hợp, hiện tại bộ đang xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi chăn nuôi an toàn về giống, thức ăn, sản xuất giết mổ, chế biến và tiêu thụ nhằm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sản phẩm từ con lợn xuất chuồng, đến giá bán, thịt tới tay người tiêu dùng vẫn đang là bài toán cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo xây dựng chuỗi an toàn để tăng thị phần xuất khẩu. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối kết hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường truyền thông, đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Thực trạng này cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Công thương trong vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường để ngăn chặn hiện tượng trục lợi từ cá nhân, doanh nghiệp khi giá lợn hơi đã giảm sâu nhưng giá bán lẻ còn quá cao. Đồng thời, phát hiện, điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, bảo vệ thị trường trong nước.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-cuong-tieu-thu-san-pham-chan-nuoi-120852.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.