Sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã khiến các ngành công nghiệp trên toàn thế giới phải đóng cửa trên toàn diện rộng, nhu cầu tiêu dùng của người dân xuống thấp và các hoạt động công nghiệp suy giảm rõ rệt.
Hiện tại, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi dẫn đến nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu sản xuất đã tăng vọt, trong khi đó các chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn và đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.
![]() |
Nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong đại dịch |
Điều này đã dẫn đến những khó khăn lớn cho các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa. Các doanh nghiệp không thể sản xuất hoặc cung cấp nhiều như trước đại dịch vì nhiều lý do, bao gồm tình trạng thiếu công nhân và thiếu các thành phần chính cũng như nguyên liệu thô.
Các khu vực khác nhau trên thế giới đã trải qua nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng, tình trạng ngày càng thiếu hụt năng lượng hay nguyên vật liệu đang trở nên trầm trọng hơn vì những lý do khác nhau. Ví dụ, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất trong những tháng gần đây, trong khi ở Anh, Brexit là một nhân tố lớn gây ra tình trạng thiếu tài xế xe tải. Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công xe tải, Đức cũng vậy, nước này cũng đang gặp phải lượng lớn hàng tồn đọng tại các bến cảng của mình.
Theo ông Tim Uy, Đại diện của Moody’s Analytics, khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra thì một điều rõ ràng là nó đang bị cản trở bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang xuất hiện ở mọi khía cạnh của nền kinh tế. Các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển, những vấn đề về vắc-xin toàn cầu và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bị dồn nén do mắc kẹt trong nước đã kết hợp thành một “cơn bão hoàn hảo” tác động xấu đến nền kinh tế. Việc sản xuất trên toàn cầu sẽ bị cản trở vì giao hàng không kịp thời, chi phí và giá cả sẽ tăng lên và kết quả là tăng trưởng GDP trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng không hề nhẹ.
Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, nhất là trong hệ thống sản xuất đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, dịch vụ và hàng hóa khác nhau, từ tình trạng thiếu hụt thiết bị điện tử và ô tô (với các vấn đề trầm trọng hơn do tình trạng thiếu chip bán dẫn nổi tiếng) đến các vấn đề trong nguồn cung cấp thịt, thuốc men và sản phẩm gia dụng.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng cao hơn so với nguồn hàng hóa có thể cung cấp và hiện vẫn đang thiếu hụt trầm trọng, thì giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu đã tăng vọt, cộng với tình trạng thiếu tài xế xe tải ở cả hai khu vực này càng làm nghiêm trọng thêm vấn đề vận chuyển hàng hóa và đã dẫn đến chi phí giá tăng cao khi những sản phẩm có thể lên kệ hàng.
Đại dịch đã làm trầm trọng hơn những lỗ hổng trong các mạng lưới cung ứng toàn cầu, với sự gián đoạn trong một phần của chuỗi có tác động xấu đến tất cả các bộ phận, từ nhà sản xuất đến nhà cung cấp và nhà phân phối và sự gián đoạn cuối cùng là ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Khi các nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại, thì cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng xuất hiện trước mắt chính là thách thức lớn nhất mà các chính phủ hiện nay phải đối mặt. Trung Quốc và châu Âu cũng đang gặp vấn đề về tăng trưởng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng. Ngày 17/10 vừa qua, Trung Quốc báo cáo rằng GDP quý III của quốc gia này chỉ tăng 4,9% và rất đáng thất vọng so với quý trước, do hoạt động công nghiệp tăng ít hơn dự kiến trong tháng 9 (tăng 3,1% dưới mức 4,5% mà Reuters dự đoán) cùng với các vấn đề chuỗi cung ứng góp phần vào tốc độ chậm lại trong hoạt động.
Ông Iris Pang, Kinh tế trưởng của Greater China tại ING cho biết, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid khi một số hoạt động tại cảng bị ảnh hưởng trong quý III/2021 và tình trạng thiếu chip tiếp tục diễn ra. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ kéo dài do giá cước vận tải vẫn còn cao và tình trạng thiếu chip vẫn là một vấn đề quan trọng đối với các ngành như thiết bị, ô tô và thiết bị viễn thông.
Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang đặt ra một thách thức phức tạp và vô cùng to lớn cho chính phủ Mỹ và đây là thời điểm mà ông Joe Biden đang phải chịu áp lực lớn để hoàn thành các ưu tiên trọng tâm khác. Trong số đó có các dự luật về các vấn đề như cấp vốn cho chính phủ, nâng mức trần nợ; cũng như các quy định sắp tới về tiêm chủng Covid-19 cho người sử dụng lao động rộng rãi cùng nhiều áp lực xã họi khác.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khung-hoang-chuoi-cung-ung-de-doa-tang-truong-toan-cau-120609.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.