![]() | Xu hướng cắt giảm và chấm dứt nhiệt điện than |
![]() | Doanh nghiệp với nỗi lo thừa điện mặt trời |
![]() | Điện mặt trời phủ kín đất trang trại |
50 hợp đồng cần xem xét lại
Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đầu tháng 10 vừa qua, căn cứ trên những báo cáo liên quan đến hệ thống điện mặt trời mái nhà mà các công ty điện lực thành viên ở nhiều tỉnh phía Nam gửi về, EVNSPC đã có văn bản yêu cầu các công ty điện lực Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương và Hậu Giang tập trung rà soát đồng loạt các dự án điện mặt trời áp mái đã và đang ký hợp đồng bán điện cho lưới điện quốc gia.
Tại văn bản này, EVNSPC yêu cầu 5 công ty điện lực kể trên kiểm tra, tập hợp chứng cứ để báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và có biện pháp xử lý các sai phạm về hợp đồng bán điện (nếu có) tại 50 dự án điện mặt trời áp mái. Những vấn đề cần rà soát ở 50 dự án điện này là việc tuân thủ những quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Thông tư 18/2020/TT-BCT của Bộ Công thương về phát triển dự án, hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, các dự án được EVNSPC yêu cầu kiểm tra rà soát, bao gồm: 15 hợp đồng ký giữa Điện lực Ninh Thuận với Công ty điện mặt trời Quảng Sơn; 5 hợp đồng ký giữa Điện lực Lâm Đồng với Công ty TNHH AA; 12 hợp đồng ký giữa Điện lực Long An với Công ty Thép Tây Nam và Công ty Thép Vina One; 10 hợp đồng ký giữa Điện lực Bình Dương với Công ty Điện mặt trời Trúc Mai; 8 hợp đồng ký giữa Điện lực Hậu Giang với Công ty cổ phần VES.
Đại diện EVNSPC cho biết, căn cứ những hồ sơ, báo cáo hiện có thì các dự án này đều đang có dấu hiệu vi phạm các quy định như: không tuân thủ những yêu cầu về kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật; chủ đầu tư cố ý lắp thêm số lượng tấm pin sau nghiệm thu để tăng công suất; hoặc chưa đạt điều kiện vận hành phát điện trước ngày 31/12/2020 theo đúng quy định… Theo EVNSPC, sau khi tra soát và phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ báo cáo EVN và tiến hành các biện pháp xử lý, có thể là hủy bỏ các hợp đồng, tách đấu nối ra khỏi lưới điện, truy thu số tiền đã thanh toán đối với phần sản lượng điện bán cho EVN không đúng quy định, thậm chí khởi kiện ra tòa nếu các chủ đầu tư không hợp tác cùng xử lý những sai phạm.
Hệ quả của phát triển quá nóng
Câu chuyện hàng loạt các chủ đầu tư điện mặt trời áp mái tại các địa phương buộc phải tra soát lại hợp đồng như vừa nêu ở trên bắt nguồn từ sự phát triển quá nóng của các dự án điện mặt trời trong hai năm gần đây.
Ghi nhận ở khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, tình trạng đổ xô làm điện mặt trời áp mái đã xảy ra phổ biến ở Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Long An, Hậu Giang và Sóc Trăng từ cuối 2019. Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều địa phương, để tranh thủ chính sách ưu đãi đối với điện mặt trời, không ít chủ đầu tư đã cố tình vi phạm các quy chuẩn về kỹ thuật xây dựng, đất đai chưa được chuyển đổi theo quy định hoặc không tuân thủ tiêu chí trang trại… nhưng vẫn ký hợp đồng đấu nối trước ngày 31/12/2020 để được hưởng chính sách giá bán điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 8,38 UScent/kWh (tương đương 1.943 VNĐ/kWh), duy trì trong vòng 20 năm.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư lĩnh vực điện mặt trời cho rằng, bên cạnh việc phát triển quá nóng ở một số địa phương thì việc cắt giảm đột ngột công suất mua điện đối với các dự án điện mặt trời của ngành điện hiện nay cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án phải tìm cách tranh thủ các ưu đãi để cắt lỗ và duy trì sản xuất. Thống kê cho thấy rằng, tính đến quý III vừa qua, công suất mua điện từ các dự án điện mặt trời áp mái đã giảm trung bình từ 25-60% tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước. Tại các địa phương này, ngành điện đã nhận được hàng trăm kiến nghị từ các chủ đầu tư các dự án điện mặt trời áp mái về việc không nên cắt giảm huy động điện nữa. Nếu không nhiều dự án sẽ lâm vào tình trạng phá sản, không trả được nợ ngân hàng.
Theo ông Phạm Cao Huy - Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Vạn Phát, hiện nay mức đầu tư điện mặt trời áp mái khoảng 13 - 15 tỷ đồng/1 MW. Trong khi doanh thu 1 MW điện mỗi tháng chỉ khoảng 300 triệu đồng vào mùa cao điểm. Tuy nhiên trong đó chi phí trả lãi và gốc chiếm 2/3 tổng thu; ngoài ra doanh nghiệp còn phải trả nhiều loại chi phí khác như chi phí vận hành, bảo vệ, bảo trì thiết bị, đóng thuế, trả lãi và gốc các khoản vay cá nhân... Trong điều kiện mùa mưa, sản lượng thu từ điện mặt trời áp mái chỉ đạt khoảng 60-70%, tương đương khoảng 180 - 200 triệu/MW. “Nếu cắt giảm 60% thì doanh thu khoảng chưa tới 100 triệu đồng/tháng. Mức thu này chỉ đủ đóng lãi vay chứ chưa tính trả tiền gốc thế chấp dự án cùng các khoản chi khác như vận hành và lương công nhân”, ông Huy cho biết.
Theo hầu hết các chủ đầu tư điện mặt trời, việc ngành điện áp dụng lộ trình giảm dần sản lượng mua điện mặt trời từ 10 - 60% như hiện nay là quá cao. Bởi đa số các dự án điện mặt trời áp mái chỉ mới phát triển trong vòng 3 năm trở lại đây. Hầu hết các dự án đều vay vốn ngân hàng từ 70-80% tổng giá trị đầu tư. Nếu EVN cắt giảm lượng mua điện thì phải kéo dài thời gian mua bán điện trong hợp đồng để chia sẻ cùng nhà đầu tư. Vì nếu không có sự chia sẻ qua lại này thì trong thời gian tới sẽ có hàng trăm dự án điện mặt trời áp mái lâm vào tình cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản và không trả được các khoản nợ đã vay để đầu tư theo khuyến khích của Chính phủ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhieu-du-an-dien-mat-troi-nguy-co-thua-lo-120517.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.